Từ láy qua ba khúc ngâm tiêu biểu của văn học Nôm thế kỷ XVIII – XIX

Bài viết “Từ láy qua ba khúc ngâm tiêu biểu của văn học Nôm thế kỷ XVIII

-XIX” đã khảo sát ba khúc ngâm “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn, dịch Nôm là Đoàn Thị Điểm; “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều và “Ai tư vãn” của Lê Ngọc Hân. Ở ba khúc ngâm đó, chúng tôi hệ thống các loại từ láy, phân loại từng loại từ láy và tìm ý nghĩa của chúng. Cũng ở ba khúc ngâm nói trên, từ láy đều miêu tả thiên nhiên và miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Hy vọng, với bài viết này, thể loại ngâm khúc sẽ góp thêm một tiếng nói vào vấn đề còn bỏ ngỏ của các công trình nghiên cứu về ngâm khúc, góp cho việc giảng dạy thể loại ngâm khúc ở Phổ thông và Đại học được tốt hơn.

SUMMARY

The article “Reduplicative words through three typical ballads of Nom literature in the 18th and 19th centuries” examined three ballads “Chinh phu ngam khuc” by Dang Tran Con, translated into Nom as Doan Thi Diem; “Cung oan ngam khuc” by Nguyen Gia Thieu and “Ai tu van” by Le Ngoc Han. In those three ballads, we systematized the types of reduplicative words, classified each type of reduplicative word and found their meanings. Also in the three ballads mentioned above, the reduplicative words all describe nature and describe the mood of the lyrical character. Hopefully, with this article, the ballad genre will contribute another voice to the unanswered issues of the research works on ballads, contributing to the better teaching of the ballad genre in high schools and universities.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong các thể loại của văn học Việt Nam thời trung đại, thể loại ngâm khúc giữ một vị trí quan trọng. Thể loại này phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII – XIX và từ loại từ láy đã góp phần làm tăng cường giá trị nghệ nghệ thuật và sắc thái biểu cảm của tác phẩm. Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu từ láy trong ba khúc ngâm tiêu biểu thế kỷ XVIII – XIX, có thể phát hiện ra rằng từ láy trong các khúc ngâm tiêu biểu của giai đoạn này có hai đặc điểm nổi bật: miêu tả thiên nhiên và miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đã thành công trong việc sử dụng từ láy để phản ánh hiện thực cuộc sống trong tác phẩm của mình. Cả ba khúc ngâm ở thế kỷ XVIII – XIX, số lượng từ láy có xu hướng tăng dần từ Chinh phụ ngâm khúc đến Ai tư vãn. Điều này chứng tỏ mức độ Việt hoá ngày càng gia tăng trong ngôn ngữ biểu đạt của những khúc ngâm, cũng chứng tỏ bóng dáng của đời sống dân tộc ngày một đậm đặc.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thực hiện bài viết này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:

  • Phương pháp nghiên cứu loại hình;
  • Phương pháp thực chứng lịch sử;
  • Phương pháp nghiên cứu liên ngành;
  • Phương pháp thống kê, phân loại;
  • Phương pháp phân tích, tổng hợp.

3.  KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1.   Hệ thống các loại từ láy trong các khúc ngâm tiêu biểu giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX

Tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc có 97 từ láy trong 408 câu thơ, chiếm 23,8%; Cung oán ngâm khúc có 90 từ láy trong 356 câu thơ, chiếm 25,3%; Ai tư vãn có 63 từ láy trong 164 câu thơ, chiếm 38,4% (1). Đây chính là dấu hiệu chứng tỏ các khúc ngâm qua thời gian, các tác giả của chúng càng tận dụng lối láy trong ngôn ngữ dân tộc. Bằng việc sử dụng các từ láy của tác giả các khúc ngâm, người đọc đã thấy được những hình ảnh, âm thanh có tính dân tộc, rất gần gũi với dân tộc, đặc biệt nhạc tính trong câu thơ tăng rõ rệt.

Xuất hiện nhiều hơn cả trong ba tác phẩm là từ láy động từ và tính từ, tiếp đó là từ láy tượng hình và tượng thanh. Nếu như trong Chinh phụ ngâm khúc, có 59 từ láy tính từ, 33 từ láy động từ, 33 từ láy tượng hình, 7 từ láy tượng thanh; trong Cung oán ngâm khúc có 61 từ láy tính từ, 27 từ láy động từ, 35 từ láy tượng hình, 9 từ láy tượng thanh, trong Ai tư vãn có 44 từ láy tính từ, 17 từ láy động từ, 24 từ láy tượng hình, 01 từ láy tượng thanh thì từ láy phó từ và danh từ lại rất ít (02 từ láy danh từ và 03 từ láy phó từ trong Chinh phụ ngâm khúc; 02 từ láy phó từ và 0 từ láy danh từ trong Cung oán ngâm khúc; 02 từ láy danh từ và 0 từ láy phó từ trong Ai tư vãn).

Sở dĩ cả ba khúc ngâm xuất hiện nhiều từ láy tính từ là có lý do của nó. Từ láy tính từ là những từ chỉ tính chất, dung lượng… của sự vật, hiện tượng cho nên chúng đã góp phần diễn tả sâu sắc hơn thế giới nội tâm thầm kín của nhân vật: Đưa chàng lòng dặc dặc buồn/ Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền (Chinh phụ ngâm khúc)(2). Từ láy tính từ dặc dặc trong câu thơ đã làm tăng thêm nỗi sầu của người chinh phụ. Người đọc như thấy được nỗi sầu đó dường như không có giới hạn đang chan chứa trong tâm tư, trong ý nghĩ của nàng. Hoặc: Trong cung quế âm thầm chiếc bóng (Cung oán ngâm khúc) ta thấy được nỗi đau của cung nữ về nỗi cô đơn như sâu sắc và tê tái hơn nhiều, nỗi đau chỉ một mình mình hay, một mình mình chịu. Tâm trạng của cung nữ tức tối, trách móc và kèm theo sự buồn nản, chán chường. Hay: Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ (Ai tư vãn) hai từ láy tính từ côi cút, bơ vơ được đặt trong cấu trúc tiểu đối đã diễn tả nỗi thất vọng lớn lao của công chúa Ngọc Hân. Trong nỗi thất vọng ấy, có cả nỗi lo lắng cho mình và cho những đứa con tội nghiệp không còn nơi nương tựa. Lời thơ chứa đựng bao xót xa, tội nghiệp của người vợ mất chồng.

Từ láy động từ cũng xuất hiện khá nhiều trong các khúc ngâm và cũng có xu hướng tăng ở tác phẩm cuối thế kỷ XVIII. Từ láy động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái có tác dụng trong việc tả cảnh và tả tình. Ví dụ: Mẹ già phơ phất mái sương/ Con thơ măng sữa vả đương phù trì (Chinh phụ ngâm khúc) – từ láy

phơ phất được đặt trong ngữ cảnh câu thơ như có sự so sánh giữa cảnh và tình. Hình ảnh mẹ già như một vật mỏng, nhẹ phất phơ trước gió cùng với hình ảnh con thơ đang đè nặng lên đôi vai gầy của người chinh phụ. Ta như nghe thấy tiếng than thở của nàng khi phải chịu đựng nỗi vất vả nuôi mẹ già dạy con thơ một mình. Hay “Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng/; Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy(Cung oán ngâm khúc). Hai từ láy động từ rẻ rúng, ruồng rẫy có giá trị biểu đạt rất cao trong hai câu thơ trên. Cung nữ cay đắng nhận ra rằng: vua chỉ là một gã đàn ông tàn nhẫn khi đã “bướm chán ong chường” rồi bỏ rơi nàng như người ta quăng đồ vật cũ vào đống rác. Một mình nàng ngồi đối diện với nàng trong cái “nhà tù” lầu son, gác tía. Hai câu thơ trên đã cho người đọc thấy rất rõ tâm trạng cô đơn, trống vắng đến tê dại của người cung nữ. Hoặc: Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối/ Biết cậy ai dập nỗi bi thương (Ai tư vãn) – câu thơ trên với sự tham gia của từ láy động từ trằn trọc đã vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh người vợ trẻ với nỗi đau vô hạn không ai có thể làm dịu bớt đi được khi người chồng ra đi quá đột ngột.

Từ láy phó từ tuy không nhiều nhưng cũng rất đáng để ta quan tâm. Nếu như từ láy tính từ có xu hướng tăng theo thời gian thì từ láy phó từ lại có xu hướng giảm. Đặc biệt, trong khúc ngâm cuối thế kỷ XVIII không còn từ láy phó từ nữa. Tuy xuất hiện rất ít trong các tác phẩm nhưng từ láy phó từ cũng góp phần tạo nên giá trị biểu đạt của câu thơ. Chẳng hạn, từ láy “đùng đùng” trong câu “Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn/ Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng (Cung oán ngâm khúc). Người cung nữ xinh đẹp, tài hoa ấy đang tự hào về tài sắc của mình, nhưng nàng đã chợt hiểu ra rằng: dù có tài, có sắc “vang lừng trong nước” nàng vẫn bị khinh miệt, bị coi như thứ đồ chơi để thoả lòng hiếu sắc của những kẻ tàn nhẫn và ích kỷ – trong đó có nhà vua. Những kẻ “bướm ong” ấy vây quanh nàng chỉ để thoả mãn “bệnh Tề Tuyên (bệnh hiếu sắc) chứ không quan tâm đến đời sống tinh thần và giá trị đích thực của nàng. Nếu Nguyễn Gia Thiều thay từ láy đùng đùng bằng một từ khác thì chắc chắn giá trị của câu thơ giảm đi rất nhiều.

Giống như từ láy phó từ, từ láy danh từ có rất ít trong ba khúc ngâm và xu hướng tiến triển của chúng không đáng kể. Tuy xuất hiện rất ít trong các tác phẩm nhưng không phải vì thế mà từ láy danh từ trong các khúc ngâm ít giá trị mà trái lại chúng có thế mạnh riêng. Ví dụ: Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng/ Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn/ Duy còn hồn mộng được gần/ Đêm đêm thường tới Giang Tân tìm người (Chinh phụ ngâm khúc). Cả đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau buồn của chinh phụ trong hiện tại. Trong nỗi cô đơn, đau khổ, nàng không còn nước mắt để khóc nữa. Không thể gặp được chồng bằng xương bằng thịt, nàng chỉ biết thả hồn mình vào trong giấc mộng để tìm chồng. Từ láy đêm đêm xuất hiện trong ngữ cảnh của đoạn thơ như một bức thông điệp đem đến cho người đọc cảm giác không đêm nào chinh phụ không đi tìm chồng trong bóng tối mịt mù của không gian và trong bế tắc, vô vọng của tâm trạng.

Bên cạnh những loại từ láy mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, các khúc ngâm thế kỷ XVIII còn có từ láy tượng hình, tượng thanh. Từ láy tượng hình trong ba tác phẩm cũng có xu hướng tăng dần, có khi chúng rải rác trong các tác phẩm, có khi chúng xuất hiện liên tiếp trong một đoạn thơ. Chẳng hạn, đoạn thơ tả tâm trạng của người chinh phụ khi chồng sai lời hẹn trong Chinh phụ ngâm khúc (từ câu 125 đến câu 144); đoạn miêu tả dòng hồi tưởng của cung nữ khi được vua yêu

dấu trong Cung oán ngâm khúc (từ câu 137 đến câu 150). Cũng có khi các từ láy tượng hình, tượng thanh xuất hiện rải rác tùy thuộc vào tâm trạng của nhân vật trữ tình và nhờ đó chúng đã phát huy được thế mạnh.

Từ láy tượng thanh tuy xuất hiện ít trong các tác phẩm nhưng chúng lại có tác dụng rất lớn trong việc tả cảnh.

Trong các loại từ láy, ta thấy từ láy chỉ tâm trạng cũng tương đối nhiều. Đó cũng là điều dễ hiểu vì toàn bộ các khúc ngâm đều biểu hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình. Những từ láy chỉ tâm trạng như bồi hồi, bâng khuâng, đau đớn…chúng có tác dụng tích cực trong việc tả tình. Tỷ lệ của chúng trong ba tác phẩm không theo xu hướng tăng dần nhưng Ai tư vãn so với Chinh phụ ngâm khúc thì từ láy chỉ tâm trạng lại tăng rất nhiều (Chinh phụ ngâm khúc 21 từ/ 408 câu thơ; Cung oán ngâm khúc 17 từ từ / 356 câu thơ; Ai tư vãn 18 từ/164 câu thơ). Từ láy chỉ tâm trạng xuất hiện rất nhiều trong các khúc ngâm và chúng có tác dụng tả tình rất lớn

Không gian trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII là không gian tượng trưng, ước lệ, cho nên từ láy chỉ không gian trong các tác phẩm cũng là tượng trưng, ước lệ. Tỷ lệ của từ láy chỉ không gian trong các tác phẩm rất ít (Chinh phụ ngâm khúc có 5 từ/ 408 câu thơ; Cung oán ngâm khúc có 2 từ/ 356 câu thơ; Ai tư vãn 6 từ/164 câu thơ). Từ láy chỉ không gian cũng có giá trị biểu cảm tương đối cao trong các tác phẩm mặc dù chúng chiếm số lượng ít. Ví dụ: Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời/ Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu/ Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong (Chinh phụ ngâm khúc). Hai từ láy thăm thẳm diễn tả nỗi nhớ chồng của chinh phụ tưởng như dài đến vô tận và sâu đến tận cùng. Câu thơ vang lên tận trời cao như một lời xót xa, ai oán.

Từ láy chỉ thời gian cũng xuất hiện ít trong các tác phẩm bởi thời gian trong ngâm khúc là thời gian ước lệ, tượng trưng (Chinh phụ ngâm khúc có 6 từ/ 408 câu thơ; Cung oán ngâm khúc có 1 từ/ 356 câu thơ; Ai tư vãn không có từ láy chỉ thời gian). Như vậy, từ láy chỉ thời gian trong các khúc ngâm từ đầu thế kỷ đến cuối thế kỷ có xu hướng giảm dần. Tuy số lượng không phải là nhiều trong các tác phẩm, nhưng chúng cũng góp phần miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ví dụ: Khắc giờ đằng đẵng như niên (Chinh phụ ngâm khúc) – vẫn là nỗi nhớ mong chồng của người chinh phụ nhưng từ láy đằng đẵng được đặt trong sự so sánh giữa một khắc, một giờ với một năm và như vậy mối sầu của nàng dằng dặc như biển cả.

Cả ba khúc ngâm chủ yếu là từ láy đôi (chỉ có một từ láy tư trong Chinh phụ ngâm khúc đó là từ thơ thơ thẩn thẩn – câu 190) có lẽ trong tiếng Việt, từ láy đôi là phong phú hơn cả. Có từ láy được dùng nhiều lần trong một tác phẩm. Ví dụ: Trong Chinh phụ ngâm khúc từ ngẩn ngơ được dùng tới bốn lần (câu 52, 144, 187, 235); từ thăm thẳm được dùng tới ba lần (câu 3, 212, 213); trong Cung oán ngâm khúc từ lạnh lùng được dùng tới bốn lần (câu 227, 283, 326, 345); từ ruồng rẫy được dùng hai lần (câu 257, 342); trong Ai tư vãn từ lạnh lẽo được dùng hai lần (câu 1,152); từ vội vàng được dùng hai lần (câu 51, 55).

Chúng ta đều biết, từ láy tiếng Việt có một lợi thế đó là nhạc tính cao. Trong Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn đã sử dụng lối thơ trường đoản cú, có âm vực cao thấp, câu thơ ngắn dài đan xen nhau. Khi dịch ra chữ Nôm,

bà Đoàn Thị Điểm đã không dùng lối đó vì thể thơ song thất lục bát có quy định riêng của nó. Do đó, bà đã dùng nhiều biện pháp điệp và láy để tăng cường tính nhạc. Ở tác phẩm Cung oán ngâm khúc vì Nguyễn Gia Thiều đã sử dụng rất nhiều từ Hán Việt cho nên muốn tăng cường tính nhạc, tác giả phải sử dụng nhiều phép đối và từ láy. Có thể nói, ở tác phẩm này, rất nhiều các câu 7 đối nhau, và các từ láy tham gia vào các phép đối đó cũng rất phong phú (Tiếng thánh thót cung đàn thuý dịch/ Giọng nỉ non ngón địch đan trì; Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ/ Khách công hầu ngấp nghé mong sao; Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió/ Áo vũ kia lấp ló trong trăng; Đệm hồng thuý thơm tho mùi xạ/ Bóng bội hoàn lấp lóa trăng thanh; Đêm phong vũ lạnh lùng có một/ Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh”.

Ai tư vãn là tiếng nức nở của một hoàng hậu khóc chồng, cả nhân vật và văn cảnh đều có thật, cho nên từ láy trong tác phẩm này rất nhiều, sự xuất hiện của các từ láy trong Ai tư vãn đã miêu tả một cách đầy đủ và sâu sắc tâm trạng của nhân vật trữ tình. Nói như Nguyễn Phan Cảnh thì: ở những câu thơ song thất lục bát hai “câu thất căng thẳng, hai câu lục bát giải toả”(3) [3,164]. Ở ba khúc ngâm thế kỷ XVIII – XIX, từ láy rơi nhiều vào câu thất, vì vậy nó tạo sự “căng thẳng” đến tột độ trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

3.2.  Ý nghĩa của từ láy trong các khúc ngâm tiêu biểu thế kỷ XVIII – XIX

  • Từ láy trong Chinh phụ ngâm khúc với việc miêu tả thiên nhiên

Trong Chinh phụ ngâm khúc, thiên nhiên hiện lên thật sống động như những sinh thể có hồn. Từ cảnh vật thiên nhiên, người đọc dễ dàng nhận biết được rằng: Thiên nhiên ở đây mang tâm trạng con người. Trong tác phẩm, thiên nhiên đã tồn tại với nhiều chức năng khác nhau nhưng đều mang tâm trạng người chinh phụ. Những đoạn văn miêu tả cảnh thiên nhiên, từ láy đã có tác dụng đáng kể. Chẳng hạn từ câu 125 đến câu 144 là đoạn thơ tả cảnh người chinh phụ trong sự chờ đợi mỏi mòn. Đoạn thơ này cứ trung bình gần 2,9 câu thơ thì có một từ láy. Những từ láy góp phần tả cảnh thiên nhiên như líu lo, ba xoà, ngập ngừng, lao xao, mênh mông đã giúp người đọc cảm nhận được một bức tranh có đường nét, có âm thanh đang hiển hiện trước mắt. Hai từ láy ngập ngừng đã được nhân hoá, tất cả đều bổ sung làm rõ nghĩa cho từ láy ngẩn ngơ – tâm trạng người chinh phụ. Cảm xúc đầu tiên ta bắt gặp là sự thất vọng của nàng khi chồng sai lời hẹn ở nơi có chiếc cầu Hán Dương ở tỉnh Cam Túc, có núi Lũng Tây ở núi Thiểm Tây bên Trung Quốc; hình ảnh cành trâm, chiếc áo bào quý tộc, tiếng chim hót, tiếng sóng nước. Trước những hình ảnh vay mượn và ước lệ nói trên, người chinh phụ đã rung động với cảnh chiều hôm xao xác, lạnh lùng. Cảnh đã gieo vào lòng người những nỗi niềm chờ mong đến mòn mỏi. Cảnh ấy được xây dựng bằng lối vận dụng điệp ngữ ngập ngừng của những hình ảnh chiếc lá chạm cành trâm, làn gió thổi tà áo và tiếng chim xôn xao trong buổi chiều hôm của thiên nhiên dân tộc. Ta không biết được địa danh Trung Quốc đó là ở những nơi cụ thể nào, nhưng nhờ những từ láy mà ta cảm thấy quen thuộc như đã gặp ở đâu đây. Với những tư liệu có sẵn, qua các từ láy, tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo làm cho nó gần gũi với ta hơn bởi nó mang bản sắc dân tộc đậm hơn. Trong đoạn thơ này, thiên nhiên gắn với tâm trạng nhân vật – tất cả đều nói lên nỗi chờ mong mòn mỏi của người

vợ xa chồng. Qua việc miêu tả thiên nhiên, nhà thơ đã thể hiện những tâm sự, suy tư và cảm nghĩ của mình.

Trong Cung oán ngâm khúc, vốn từ láy trong khúc ngâm cũng rất phong phú. Những từ láy tượng hình, tượng thanh mà tác giả dùng để miêu tả thiên nhiên trong đêm thu người cung nữ thức trắng với nỗi đau đớn, uất hận của mình vì bị nhà vua ruồng rẫy. Nguyễn Gia Thiều muốn nói đến khát vọng cháy bỏng của cung phi. Vì vậy, ông đã đã áp dụng các từ tượng hình, tượng thanh một cách nghệ thuật và khách quan: Khi trận gió lung lay cành bích/ Nghe rì rầm tiếng mách gần xa/ Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra/ Đốt phong hương hả, mà hơ áo tàn. Nỗi buồn của người cung phi như thấm vào cảnh vật: Một ngọn gió rất nhẹ chỉ đủ lung lay cành bích; một tiếng dế kêu cũng rất nhỏ, đủ cho người ta cảm thấy nó chỉ rì rầm. Tiếng gió, tiếng dế kêu hay chính nỗi buồn nhè nhẹ như gió, len lén đến thấm vào lòng người đọc. Trong âm thanh thầm thì, thoảng nhẹ như vương vấn một nỗi buồn dài dằng dặc, một tiếng thở dài não ruột, chứa chất đầy đắng cay của người cung nữ. Người đọc hình dung thấy cảnh chua xót của người con gái mảnh dẻ – mặt đầm đìa nước mắt, đang thẫn thờ nhìn cành bích lung lay và nghe tiếng dế kêu rì rầm đầy ai oán.

Thời gian đã vô tình về hùa với chúa mà xoá đi tuổi xuân của người cung phi. Sống trong nhung lụa mà tâm hồn của nàng thoi thóp: Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh/ Vách sương hót gió, đèn xanh lờ mờ. Những từ láy thấp thoáng, lờ mờ đến nhè nhẹ trong một khung cảnh màn sương trắng và lạnh lẽo. Cảnh đó có những nét chấm phá: màu đom đóm biếc, màu đèn xanh leo lét đã dung hoà trên một nền hội hoạ bàng bạc mà tê tái lòng người.

Giữa vua và cung phi như có một vực thẳm phân cách, dù đó chỉ là một giải nông nông: Doành nhâm một giải nông nông/ Bóng dương bên ấy, đứng trông bên này. Khung cảnh vừa dịu hiền, vừa ai oán. Con người bất hạnh đó không dám bước qua giải nước đó để đến với “bóng dương” mặc dù dải nước đó chỉ nông nông. Để rồi, khi đêm xuống, nàng trằn trọc trong nỗi cô đơn, lạnh lẽo: Lạnh lùng thay giấc cô miên/ Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.

Vẫn là không gian tịch mịch (vắng vẻ, quạnh hiu) cùng với bóng đèn thâm u (tù mù) càng làm nổi bật lên cảnh đơn chiếc của người cung nữ. Dường như chỉ có ánh đèn và khói hương là an ủi tâm hồn đơn lạnh của nàng.

Cách dùng từ láy ở Cung oán ngâm khúc trong nghệ thuật tả cảnh không chỉ cho chúng ta thấy thiên nhiên mang tâm trạng con người mà còn hướng chúng ta sang một đường khác để rồi lại kéo ta về thực trạng một cách đột ngột: Khi bóng nguyệt chênh vênh trước ốc/ Nghe vang lừng tiếng giục bên tai… Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả/ Điệu thương xuân khóc ả sương khuê.

Cả đoạn thơ là một cảnh rất buồn. Trước nhà, bóng trăng cũng chênh vênh như số phận người cung nữ. Nàng chờ đợi một tiếng gọi của đứa hầu nhỏ để được lên hầu vua, nhưng chỉ có tiếng chim quốc kêu ra rả vì tiếc mùa xuân đã đi qua như tâm trạng người cung nữ tiếc tuổi trẻ một đi không trở lại. Nàng vò võ một mình trong sương khuê như một người goá phụ. Với từ láy chênh vênh, tác giả đã cụ thể hoá được một hình ảnh mông lung. Từ láy ra rả như gợi được một điều gì xót xa, não nùng của tiếng chim quốc. Các từ láy này nằm trong văn cảnh cùng với những chữ “mốc”; “nhồi” “nheo” khiến câu thơ càng chặt chẽ gợi được nỗi thất

vọng của người cung nữ. Ngay cả những sự việc rất khó tả nhưng bằng cách sử dụng từ láy, Nguyễn Gia Thiều đã thi vị hoá được: Cái đêm hôm ấy đêm gì/Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng

Ý tứ diễn rất bóng bẩy, trang nhã nhưng nhờ có từ láy trập trùng mà thấy ngay giá trị của những “bóng dương”, “bóng đồ mi” xếp đặt trong câu thơ.

Những câu thơ đối nhau một cách chặt chẽ nhờ sự xếp đặt của từ láy đúng chỗ, người đọc như thấy cả được ý tứ của tác giả: tình tứ mà vẫn kín đáo thanh thú: Đệm hồng thuý thơm tho mùi xạ/ Bóng bội hoàn lấp lóa trăng thanh.

Trước mắt Nguyễn Gia Thiều, biển cả không hùng vĩ, không đẹp mà chỉ tàn nhẫn, lạnh lùng: Sóng cồn cửa biển nhấp nhô/Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh. Với các từ láy nhấp nhô, lô xô nằm trong văn cảnh, người đọc có thể hình dung được thiên nhiên như phối hợp với con người đang tung lên, vùi xuống một kiếp người, để rồi người ta lại nghĩ cuộc đời đó có số phận, con người chỉ là trò chơi trong tay tạo hoá: Cái quay búng sẵn trên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Từ láy trong Cung oán ngâm khúc đã tham gia đắc lực trong việc miêu tả thiên nhiên mà thiên nhiên là nhân vật thứ hai đồng cảm với con người – nhân vật trữ tình. Tiếng nói đau buồn, uất ức của con người thất thế và nỗi oán hờn mãnh liệt của người cung nữ đã được biểu hiện bằng những hình ảnh, có tác dụng gợi cảm bằng màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên. Tác giả đã sử dụng từ láy một cách tài tình khiến cho sự vật sinh động hẳn lên và qua đó, tâm trạng của con người cũng được bộc lộ.

Ai tư vãn là khúc ngâm của công chúa Ngọc Hân bày tỏ lòng thương nhớ và đau buồn vô hạn đối với người anh hùng lãnh tụ phong trào Tây Sơn. Lê Ngọc Hân viết tác phẩm này khóc Quang Trung khi nhà vua qua đời.

Qua Ai tư vãn, Ngọc Hân ôn lại mối tình của nàng với vua Quang Trung từ những ngày đầu tiên cho đến lúc nhà vua lâm bệnh nặng, chạy chữa thuốc thang không khỏi đến khi nhà vua từ trần. Nàng nói lên nỗi đau xót trước cái tang chồng. Nhiều lúc, Ngọc Hân muốn tự tử theo chồng, nhưng nghĩ đến con còn thơ dại, bà không thể chết mà phải sống để nuôi dạy con mặc dù phải sống trong cô đơn, đau khổ: “Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng, nỗi đoạn trường còn sống còn đau”. Trong khúc ngâm này, Lê Ngọc Hân gọi Quang Trung là nhà vua xuất thân từ “áo vải”, đã đứng lên giương cao ngọn cờ đào để giúp dân, dựng nước. Ngọc Hân là một trong những người thấy đúng bản chất của vua Quang Trung và đánh giá cao cống hiến của nhà vua với dân, với nước.

Ai tư vãn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai khúc ngâm trước đó: Chinh phụ ngâm khúc Cung oán ngâm khúc. Nhưng khác với hai khúc ngâm trên, Ai tư vãn viết về một trường hợp cụ thể – nhân vật trữ tình viết về chính bản thân mình cho nên có nhiều chi tiết hiện thực, chân thật. Ngôn ngữ trong Ai tư vãn trong sáng, giản dị, ít từ Hán Việt. Đặc biệt so với hai tác phẩm trên, Ai tư vãn dùng rất nhiều từ láy. Cũng như hai tác phẩm trên, từ láy trong Ai tư vãn đã tham gia đắc lực vào việc miêu tả thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình. Chúng tôi sẽ tìm hiểu ý nghĩa biểu đạt của từ láy trong một số đoạn thơ tiêu biểu khi miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người.

Ngay từ đầu tác phẩm, cảnh vật đã hiện lên thật xót xa cảm động: Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo/ Trước thềm lan hoa héo ron ron. Ở hai câu thơ trên các từ láy hiu hắt, lạnh lẽo giữ chức năng vị ngữ cho hai danh từ “gió” “phòng tiêu”, còn từ láy ron ron làm bổ ngữ cho tính từ “héo”. Với các từ láy đó, hai câu thơ đã gây ngay ấn tượng đầu tiên cho người đọc: một ngọn gió mỏng manh, quạnh quẽ đã thổi vào “phòng tiêu” – nơi ở của Ngọc Hân lúc này thiếu hẳn hơi ấm của người chồng và vì thế nó càng thêm lạnh lẽo. Trước thềm, hoa không còn tươi nữa mà đã héo ron ron nghĩa là héo chút ít. Trước cảnh vật đó, tâm trạng của người vợ vừa mất chồng lại càng thêm đớn đau, tuyệt vọng. Ngọc Hân cảm thấy nỗi “sầu thảm” của mình rộng như bể, cao như trời: “Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời”.

Chồng mất khi các con còn thơ dại, Ngọc Hân không những đau xót cho thân phận lẻ loi, đơn chiếc của mình mà còn lo sợ không còn nơi nương tựa. Đoạn thơ sau đây là đoạn thơ tả cảnh kết hợp với tả tình mà bất cứ ai đọc cũng thấy được cảnh đã làm nền cho nghệ thuật tả tình: Khi trận gió hoa bay thấp thoáng/ Ngỡ hương trời lảng bảng còn đâu/ Vội vàng sửa áo lên chầu/ … Thương ôi! Vắng vẻ giữa trời tuyết sa.

Có thể nói, từ láy đã đậm đặc ở đoạn thơ này – có tám câu thơ mà chứa bảy từ láy, mật độ tập trung khá cao. Những từ láy miêu tả cảnh thiên nhiên như thấp thoáng, quạnh quẽ, lấp lánh, vắng vẻ. Cùng với từ láy chỉ hoạt động của con người: Vội vàng đã dựng lên trước mắt người đọc một cảnh tượng đau buồn đến não ruột. Người vợ mất chồng trằn trọc đêm ngày và có cảm tưởng hình bóng chồng còn lảng bảng đâu đây. Nhưng rồi sự thật phũ phàng đã khiến nàng đau xót hơn: Chồng đã mất không thể nào sống lại, trước lầu chỉ có nhện giăng nên càng thêm quạnh quẽ. Nơi mà Ngọc Hân cùng chồng ngự chơi xưa kia nay càng thêm vắng vẻ vì không có bóng chồng. Như vậy, cảnh đã mang tâm trạng con người và nỗi buồn của con người đã thấm sâu vào cảnh vật. Với sự tham gia của các từ láy, cảnh hiện lên rất buồn. Các từ láy quạnh quẽ, vắng vẻ đứng sau các thán từ “thương ôi” khiến người đọc dường như nghe thấy rõ hơn, cụ thể hơn tiếng nức nở của một hoàng hậu khóc chồng.

3.2.2.   Từ láy trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII – XIX với việc miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình

Từ láy góp phần đắc lực cho việc miên tả thiên nhiên và thiên nhiên mang tâm trạng của nhân vật trữ tình. Qua hình tượng thiên nhiên, ta thấy được người chinh phụ khi xa chồng đã rơi vào một tâm trạng thương nhớ khôn nguôi và vô cùng sầu muộn về tình cảnh lẻ loi, đơn chiếc của mình.

Chinh phụ ngâm khúc là tấm lòng đồng cảm, xót thương mang ý nghĩa nhân bản cao đẹp của tác giả Đặng Trần Côn. Toàn khúc ngâm là một bài thơ trữ tình trường thiên vô cùng lâm ly, tha thiết. Đó là một tác phẩm đặc sắc lấy cái “tôi” làm trung tâm, diễn tả những yêu cầu, những khát vọng của các nhân vật về tình yêu, về hạnh phúc. Cái “tôi” của nàng chinh phụ sở dĩ có tác dụng, có giá trị vì trong đó chứa đựng một phần cái “ta” của nhân dân. Trong nỗi khổ của nàng chinh phụ, có cái khổ của nhân dân. Cho nên, lời oán thán của nàng chinh phụ cũng có chỗ đồng nhất với nhân dân. Tác phẩm là lời người chinh phụ, nhưng chính là do lời tác giả nói hộ. Chiến tranh phong kiến đã tạo nên tâm lý bất mãn của những con người tiến bộ, sáng suốt như Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm – họ nói hộ người chinh

phụ với tiếng nói không tán thành chiến tranh, bởi chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc của bao lứa đôi. Điều đó cũng có nghĩa là những con người trong thời đại này không chỉ sống theo yêu cầu của lý trí, của nghĩa vụ đối với nhà vua mà còn rất cần sống với những tình cảm và hạnh phúc đời thường.

Các từ láy trong Chinh phụ ngâm khúc đã diễn tả tinh tế, chính xác nội tâm nhân vật. Lượng từ láy chỉ tâm trạng tương đối lớn: dằng dặc, bùi ngùi, ngẩn ngơ, đau đáu, thiết tha, mong mỏi, thẫn thờ,.v..v… Riêng từ láy “ngẩn ngơ” được tác giả nhắc đi nhắc lại bốn lần.

Những từ láy chỉ thái độ: thẹn thùng, dõi dõi, thơ thơ, thẩn thẩn,… cũng thể hiện rõ rệt những trạng thái tình cảm kín đáo bên trong của người chinh phụ.

Chồng ra trận, người chinh phụ trở về nhà và ngày đêm trông ngóng chồng với nỗi mỏi mòn, tuyệt vọng. Biết bao lời hẹn của chồng, nàng đã bấu víu vào đó để hy vọng – nhưng chồng nàng đều lỡ hẹn. Sự chờ đợi của nàng không phải tính bằng năm, bằng tháng mà cả bằng ngày, bằng giờ, cả lúc lẽ ra nàng phải nghỉ ngơi

– đó là lúc đêm vắng: eo óc gáy sương năm trống/ Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên/ Khắc giờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa. Bốn câu thơ với sự tham gia của bốn từ láy eo óc, phất phơ, đằng đẵng, dằng dặc – câu nào cũng có từ láy đã hiện ra ngay hình ảnh một người chinh phụ trong một đêm bơ phờ không ngủ. Nàng nghe tiếng gà eo óc, nhìn dáng phất phơ của rặng hoè mà thổn thức, mà cảm tưởng một khắc, một giờ mình chờ đợi, ngóng trông đã dài đằng đẵng tựa một năm, và cũng từ đó, nỗi sầu của nàng mênh mông dằng dặc như biển cả. Bằng cách sử dụng từ láy và thủ pháp nghệ thuật so sánh, người đọc thấy được thời gian chờ đợi của người chinh phụ như được nhân lên, cộng lại và nỗi buồn tủi cô đơn của nàng cũng trải dài ra, bất tận.

Đặc biệt, từ láy theo lối đảo ngữ thiết tha lòng có giá trị tổng hoà cảm xúc giữa người và cảnh vật (Cảnh buồn người thiết tha lòng). Cảnh vật có vai trò như một nhân vật trữ tình góp phần biểu hiện trực tiếp, cụ thể tâm trạng con người. Người chinh phụ vì quá u sầu cho nên nhìn cảnh vật thấy cái gì cũng ảm đạm, buồn thảm. Đáng chú ý là trong tác phẩm, từ ngẩn ngơ được tác giả dùng nhiều lượt nhất vì từ ngẩn ngơ thích hợp với việc miêu tả nội tâm nhân vật.

Với tư cách là phương tiện miêu tả, từ láy trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc đã góp phần lớn vào việc miêu tả thiên nhiên và nội tâm nhân vật trữ tình. Tài năng của nhà thơ là ở chỗ: tác giả đã đặt từ láy đúng vị trí chủ chốt cũng như sử dụng các hình thức đối, điệp và do đó nó đã trở thành hiện tượng ngôn ngữ đặc sắc có giá trị thẩm mỹ cao.

Nếu như ở Chinh phụ ngâm khúc, từ láy đã góp phần miêu tả tâm trạng của người chinh phụ, thì ở Cung oán ngâm khúc, từ láy lại góp phần miêu tả tâm trạng của người cung nữ một thời được vua yêu chiều nhưng sau đó lại bị ruồng bỏ. Nhà thơ muốn lên án chế độ đó – một chế độ chỉ biết ăn chơi, trụy lạc gây biết bao đau khổ cho những người con gái vô tội. Qua lời nói của cung phi, Nguyễn Gia Thiều đã bộc bạch tâm sự của mình trước thời cuộc. Từ láy đã góp phần giúp người đọc hiểu sâu sắc và thấu đáo hơn hai tâm trạng trên.

Cũng như tâm trạng của người chinh phụ, tâm trạng của người cung nữ là tâm trạng buồn rầu, bế tắc. Nhưng ở người cung nữ đau đớn và tuyệt vọng hơn nhiều. Vì ở người chinh phụ, chồng nàng ra đi có thể bị tử trận, hoặc nếu có trở về

thì chắc cũng giống như “Ban Siêu” “tóc đã điểm sương mới về”. Hy vọng trở về của chồng nàng dù mong manh, tội nghiệp nhưng còn có chút để mà hy vọng. Còn người cung nữ, ở ngay trong cung, chồng nàng còn sống mà nàng đã trở thành “người vị vong”. Mong được quân vương để ý tới là điều còn mỏng manh hơn bởi “cá no mồi cũng khó nhử lên”. Từ láy đã góp phần giúp người đọc nhận rõ hơn, sâu sắc hơn nỗi cay đắng của người cung nữ và trong trái tim độc giả trào lên một nỗi xót xa cho thân phận một kiếp người – lời cung nữ như một tiếng kêu não ruột: Vì đâu nên nỗi dở dang/ Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình.

Khi được vua sủng ái, cung nữ say sưa với hạnh phúc, tự hào về sắc đẹp của mình, nàng cảm tưởng cỏ cây cũng rung động: Bóng gương lấp ló trong mành/ Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. Từ láy lấp ló đã làm tăng thêm sức biểu cảm cho danh từ “bóng gương”. Với tài hoa đầy đủ: cầm, kỳ, thi, hoạ, lẽ ra nàng là người xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Nhưng giây phút của nàng chỉ qua như gió thoảng. Bị thất sủng, nàng luyến tiếc hạnh phúc với tất cả lòng thèm khát tội nghiệp. Trong cung cấm, nàng khắc khoải chờ bóng xe vua – tức là bóng của hạnh phúc sẽ đến với mình, nhưng sự chờ đợi đó chỉ là vô vọng. Cung nữ sợ hãi sự cô độc trong đêm khuya. Bóng đèn với mùi hương chỉ gợi sự u buồn lạnh lẽo.

Sống trong “nhà tù” lầu son gác tía, cung nữ không chịu được cảnh “chết dần, chết mòn” ấy. Nàng đã có những phản ứng, muốn “đạp tiêu phòng mà ra”. Có lúc, nàng ao ước một cuộc sống bình dị nơi thôn dã, hạnh phúc gia đình tuy đơn sơ mà đầy đủ: Thà rằng cục kịch nhà quê /Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này… Cùng nhau một giấc hoành môn/ Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.

Ý nghĩ này dù chỉ thoáng qua trong tâm trí cung phi nhưng cũng đủ cho người đọc thấy sự tương phản về nhiều mặt giữa hai cuộc sống: Cuộc sống vương giả nơi lầu son, gác tía và cuộc sống bình dị nơi thôn dã. Các từ láy cục kịch, nũng nịu, lau nhau, ríu rít làm nổi bật lên khát vọng của người cung nữ đến cháy bỏng về hạnh phúc gia đình, nơi đó có chồng, có vợ, có âm thanh của tình yêu, hạnh phúc.

Sống trong cung điện, nghe tiếng sáo, lòng cung nữ càng thấy đớn đau trước thực tại: Càng đàn càng địch càng mê/ Càng gay gắt điệu càng tê tái lòng. Tâm trạng của người cung nữ được miêu tả bằng các từ láy gay gắt, tê tái. Câu bát có cấu trúc tiểu đối, hai vế đối nhau, được dùng như những trạng từ và điệp ngữ. Bên cạnh đó, tác giả đã sử dụng lối đảo từ gay gắt điệu, tê tái lòng, câu thơ đọc lên như nhấn mạnh thêm và nâng cao thêm cảm giác hơi quay cuồng trong tâm hồn cung nữ. Những chữ láy đi láy lại và cách ngắt thơ của Nguyễn Gia Thiều thật kỳ diệu, lời thơ gọt giũa, chọn lọc như thế nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên, thi hứng thoát ra một cách thoải mái. Chúng ta có cảm giác rằng: lòng người cung nữ cũng đang nấc lên theo nhạc thơ hoặc se thắt lại không thốt nên lời.

Cuộc sống cô đơn luôn luôn giày vò nàng, không khi nào nàng “gần gũi” được “quân vương”. Nàng khát khao hạnh phúc, khát khao ái ân và chúng ta cũng biết khát khao của nàng là chính đáng. Nàng có quyền đòi hỏi những điều mà lẽ ra nàng được hưởng. Khao khát đó không được thoả nguyện, nàng bị bỏ rơi cho nên tâm trạng của nàng càng bẽ bàng, chua xót: Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải/ Ngán trăm chiều bướm lại ngẩn ngơ.

Nỗi khắc khoải, ngẩn ngơ của người cung nữ không giống với nỗi ngẩn ngơ của người chinh phụ, bởi chồng nàng có thể đến được với nàng mà nàng vẫn phòng không đơn chiếc – thật là đắng cay và chua xót. Sự thật phũ phàng đó khiến người cung nữ nhận ra nơi mình đang ở là một “nhà tù” sang trọng, nơi đó đã giết dần giết mòn tuổi xuân của nàng và những người con gái như nàng. Thời gian cứ thế trôi đi và sắc đẹp của nàng cũng sẽ bị vùi chôn theo năm tháng.

Khác với Chinh phụ ngâm khúc Cung Oán ngâm khúc, ở Ai tư vãn tác giả và nhân vật trữ tình là một, cho nên nỗi đau cụ thể hơn bao giờ hết, tâm trạng của người vợ mất chồng tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

Nỗi đau của Lê Ngọc Hân đã hoà nhập vào nỗi đau của đất nước. Ngọc Hân mất chồng, bản thân nàng bơ vơ, các con nàng côi cút, đất nước mất đi một người anh hùng, một vị vua anh minh, tài ba. Tiếng khóc của nàng là tiếng khóc của toàn dân tộc. Lượng từ láy chỉ tâm trạng trong Ai tư vãn rất nhiều: rầu rầu, sầu sầu, thảm thảm, trằn trọc, bàng hoàng, nồng nã (chua xót), mơ màng, khát khao, bồi hồi,.v..v…

Chồng chết, Ngọc Hân vò võ trong “phòng tiêu lạnh lẽo”, lòng nàng cũng héo hắt như hoa lan trước thềm. Thương nhớ chồng vô hạn, Ngọc Hân đã đưa mắt ra xa trông mộ giả của vua Quang Trung ở vùng Cầu Tiên, chỉ thấy mịt mờ khói toả: Cầu Tiên khói toả đỉnh non/ Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu/ Nỗi lai lịch dễ hầu than thở / Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao/ Sầu sầu thảm thảm xiết bao/Sầu đầy dạt bể, thảm cao ngất trời. Đoạn thơ có sáu câu, xuất hiện bảy từ láy với chức năng vị ngữ và định ngữ. Từ láy thăm thẳm làm vị ngữ cho “xe rồng”, từ láy rầu rầu làm vị ngữ cho “bóng loan” – câu thơ này có cấu trúc tiểu đối: Bóng xe vua càng đi xa bao nhiêu thì bóng người vợ trẻ càng rầu rầu bấy nhiêu. Nàng có than thở bao nhiêu thì giờ đây nhân duyên vẫn dang dở. Hai từ láy toàn bộ sầu sầu, thảm thảm đứng cạnh nhau ở câu 6 để rồi từng từ lại được tách ra, lặp lại ở câu 8 “Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời” như diễn tả cái mênh mông, tận cùng tưởng như không có giới hạn về nỗi đau của người vợ mất chồng.

Có thể nói, ở đoạn thơ này, các từ láy đã phát huy hết tác dụng của chúng khi miêu tả tâm trạng nhân vật trữ tình. Nhờ có các từ láy mà người đọc thấy được nỗi đau đớn của người vợ đã tăng lên gấp bội. Nếu các từ láy này vắng mặt thì đoạn thơ sẽ mất đi giá trị.

Với nỗi đau khôn cùng của người vợ trẻ, Ngọc Hân chỉ biết trách lòng trời sao tráo trở và không còn hy vọng gặp được chồng nữa. Ngọc Hân nhớ lại những ngày hạnh phúc sống bên chồng, rồi đến lúc vọng được đoàn tụ cùng chồng, có chăng phải là hẹn kiếp sau. Tiếng khóc của nàng đầy xót xa: Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt/ Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa. Từ láy đìu hiu làm vị ngữ cho danh từ “cảnh”; từ láy thánh thót làm bổ ngữ cho động từ “sa” được đảo lên trước chủ ngữ “châu” (nước mắt). Người đọc như có cảm tưởng nước mắt của Ngọc Hân đã thành từng giọt, chảy mãi không bao giờ cạn, bởi nỗi sầu trong nàng không bao giờ có thể nguôi được. Nỗi đau buồn của người vợ trẻ như muốn gửi đến tận trời xanh: Tấc lòng thảm thiết chín trời biết chăng.

Khúc ngâm của Lê Ngọc Hân đã làm rung động trái tim người đọc là ở chỗ: Lời thơ đau đớn xuất phát từ một tâm trạng có thật – một hoàng hậu mất

chồng mà người chồng đó lại là vị vua tài ba, một anh hùng dân tộc. Nhờ có các từ láy mà tính nhạc trong câu thơ rất cao, sức biểu cảm rất lớn.

4.  KẾT LUẬN

Từ láy trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII – XIX đã đánh dấu một bước trưởng thành của ngôn ngữ dân tộc trong văn học, đặc biệt là thơ ca. Tìm hiểu từ láy trong các khúc ngâm tiêu biểu thế kỷ XVIII – XIX là đi tìm hiểu bước phát triển ngôn ngữ văn học của dân tộc. Qua thời gian, từ láy đã phát huy thế mạnh để tăng mức độ Việt hoá trong ngôn ngữ. Đặc biệt, các nhà thơ đã phát huy đến mức tối đa giá trị của lớp từ nói trên để thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Từ điển từ láy tiếng Việt – Nxb Giáo dục, Hà Nội,
  2. Lương Văn Đang, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Lộc (1994)      Những khúc ngâm chọn lọc, Nxb Giáo Dục.
  3. Nguyễn Phan Cảnh (1987) Ngôn ngữ thơ Nxb ĐH & Hà Nội, 1987, tr.28.
  4. Nguyễn Thị Thanh Hà (2002), Giá trị nghệ thuật và phương thức sử dụng hiện tượng láy trong thơ ca Việt Nam, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Hai (1982), Từ láy tượng thanh trong sự tương ứng giữa âm và nghĩa”, Tạp chí ngôn ngữ (số 4).

 Tác giả Đỗ Thị Hạ

Đã xuất bản 05/01/2025

Most read articles by the same author(s)