Đề xuất một số biện pháp dạy học từ Hán Việt cho học sinh tiểu học

Ở tiểu học, việc dạy các từ Hán Việt được lồng ghép trong phân môn Luyện từ và câu, trong các bài Mở rộng vốn từ và qua một số chủ điểm. Thực tế, từ Hán Việt là một đối tượng khó dạy, bởi nó liên quan đến mặt ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Để góp phần giải quyết khó khăn đó, từ việc nghiên cứu nghĩa của từ Hán Việt và nghĩa của từ trong sử dụng, từ thực trạng dạy từ Hán Việt ở trường tiểu học, tác giả xin đưa ra 5 biện pháp dạy từ Hán Việt ở tiểu học với hy vọng có thể đóng góp phần nào đó cho việc dạy lớp từ Hán Việt nói riêng và tiếng Việt nói chung ở trường tiểu học

  1. Mở đầu

Từ Hán Việt là một số lớp từ khá quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt của người Việt Nam. Với con số 60-70% từ Hán Việt có trong tiếng Việt, nó đã và đang đặt ra một nhiệm vụ cấp thiết làm thế nào để cho mọi người dân Việt Nam nói chung, học sinh tiểu học nói viết và nói đúng tiếng Việt trong đó có từ Hán Việt. Bài viết của chúng tôi “Đề xuất  một số phương pháp dạy từ Hán Việt cho học sinh tiểu học trong chương trình phổ thông mới” sẽ phần nào tháo gỡ được khó khăn đó.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Từ Hán Việt và nghĩa của từ Hán Việt

          Từ Hán Việt là từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán đã nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt còn gọi là từ Việt gốc Hán. Ví dụ: Chính phủ, quốc gia, giang sơn, nhân dân, tổ quốc, xã tắc, hiệu trưởng, học sinh, sinh viên…

 Cũng như từ thuần Việt, nghĩa của từ Hán Việt có  nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu thái

2.2. Nghĩa của từ trong sử dụng

Trong tiếng Việt hiện đại, từ Hán Việt được sử dụng khá rộng rãi, phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.  Có nhiều từ Hán Việt mang nội dung ngữ nghĩa dường như chẳng còn quan hệ gì với nghĩa vốn có trong tiếng Hán. Chẳng hạn: Từ “đáo để” (到底) với nghĩa vốn có là “tận cùng”, “đến cùng” lại trở thành nghĩa “quá quắt không ở thế kém bất cứ ai”. Đa số từ Hán Việt là đa nghĩa nhưng không phải là lấy tất cả các nghĩa của từ Hán mà là những nghĩa được nhập ngay vào bản thân một từ Hán Việt không được đồng hóa như nhau. Chẳng hạn: Khinh  (氢)nghĩa là  “nhẹ” (yếu tố cấu tạo từ) nhưng cũng có nghĩa là  “coi thường” (động từ)

 2.3. Các yếu tố cấu thành từ Hán Việt

          Đó là những yếu tố gốc Hán, một âm tiết, phát âm theo cách đọc Hán Việt, dùng để cấu tạo từ Hán Việt. Trong các yếu tố Hán Việt, hiện tượng đồng âm rất đậm nét.

          Ví dụ: Lạc (乐) – vui trong lạc quan, lạc thú; Lạc (絡)  (mối ràng buộc) trong liên lạc (連 絡), mạch lạc(脈絡); Lạc (đường ngang) trong kinh lạc (京洛).

          Ngoài ra còn có hiện tượng đồng âm giữa các yếu tố Hán Việt và yếu tố phi Hán Việt như: Đường –   (yếu tố Hán Việt chỉ một loại thực phẩm) và đường (yếu tố phi Hán Việt, trong con đường), kê  (yếu tố Hán Việt chỉ con gà) với (yếu tố phi Hán Việt, trong kê bàn, kê ghế…)…

2.4. Thực trạng dạy từ Hán Việt trong chương trình ở tiểu học

Từ ngữ Hán Việt dạy cho học sinh tiểu học được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó là: cung cấp vốn từ thông qua các văn bản được dạy trong các giờ tập đọc, chính tả, kể chuyện, tập làm văn, qua mục giải thích nghĩa từ, qua bài tập rèn luyện v. v. Vốn từ ngữ Hán Việt trong sách Tiếng Việt tiểu học chủ yếu là những từ ngữ thông dụng liên quan đến các chủ điểm, thường được dùng trong đời sống. Vốn từ đó được cung cấp chung cùng vốn từ tiếng Việt.

            Từ Hán Việt có rất nhiều nghĩa khác nhau, nên khi dạy cho học sinh, giáo viên còn gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ, để giúp cho học sinh hiểu được nghĩa của từ “nhân hậu” (仁厚,giáo viên không thể giải nghĩa như khi được học vì giải nghĩa như khi mình được học mà áp dụng ở trường tiểu học học sinh chắc chắn sẽ rất khó hiểu. Cho nên, giáo viên phải lồng ghép từ trong từng chủ đề cụ thể một cách linh hoạt, việc này ít nhiều gây khó khăn cho cả người dạy và người học.

           Khó khăn nhất khi dạy cho học sinh tiểu học là giải nghĩa những từ Hán Việt bị Việt hóa, nghĩa của một số từ Hán không còn giữ nghĩa gốc ban đầu. Ví dụ như: “đại gia” nghĩa gốc nhà (nghề) nổi tiếng, nhưng hiện nay “đại gia” trong tiếng Việt mang nghĩa nhà sản xuất kinh doanh có tên tuổi, giàu có. Hay từ “thủ đoạn” nghĩa gốc là cách thức, phương pháp nhưng bị Việt hóa mang ý nghĩa mánh khóe, xấu xa, làm hại đến người khác để mưu lợi. Do trật tự từ song âm tiết của từ Hán Việt nghịch với trật tự từ thuần Việt nên dẫn đến hiểu sai, cảm thấy khó hiểu. Trật tự từ ghép thuần Việt là “chính + phụ”, từ Hán Việt theo trật tự “phụ + chính”, vẫn theo quy tắc tiếng Hán. Ví dụ từ Hán Việt “hỏa xa” (hỏa: lửa, xa: xe), tiếng Việt là xe lửa hay “bệnh nhân”, từ thuần Việt là người bệnh; “sát thủ”, từ thuần Việt là kẻ giết (người)…

  Như vậy, việc giải nghĩa từ Hán Việt ở trường Tiểu học còn gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, giáo viên đôi khi giảng giải từ Hán Việt mà học sinh chưa hiểu kỹ hoặc chưa  biết cách làm cho học sinh hiểu về từ cần truyền đạt. Từ thực trạng đó, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp dạy từ Hán Việt ở tiểu học.

2.5. Một số biện pháp dạy từ Hán Việt ở tiểu học

2.5.1. Giải nghĩa từ Hán Việt

Lâu nay khi đối lập từ Hán Việt với từ thuần Việt, chúng ta thường có nói là từ Hán Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, khó hiểu, có nghĩa chung chung. Từ Hán Việt khó hiểu không phải vì chúng có nguồn gốc là từ nước ngoài mà là do khả năng hoạt động (tự do hay hạn chế), vị trí, trật tự xuôi hay ngược của các yếu tố trong cấu tạo từ và do sức sản sinh của các yếu tố trong từ và tần số sử dụng của các từ. Chính sự khó hiểu này mà việc dạy học từ Hán Việt cần phải chú trọng đến các phương pháp giải nghĩa từ Hán Việt.

Có thể giải nghĩa từ Hán Việt bằng cách thuyết minh nghĩa cấu tạo và quan hệ giữa chúng:

Mỗi yếu tố Hán Việt tuy đều viết ra bằng chữ Hán, có ý nghĩa nhưng vai trò, khả năng hoạt động của các yếu tố trong tiếng Việt lại khác nhau, do vậy phải có cách giải nghĩa khác nhau.

Những yếu tố tiếng Hán khi vào tiếng Việt, chúng bị đặt trong hai thế đối lập chủ yếu với các từ đồng nghĩa và đồng âm có sẵn của tiếng Việt. Vì vậy, dẫn đến kết quả, có những yếu tố gốc Hán hoạt động tự do với tư cách là từ nhưng có những yếu tố gốc Hán lại hoạt động hạn chế với tư cách là yếu tố của từ. Do vậy vấn đề đặt ra đối với dạy và học từ Hán Việt trong tiếng Việt về nghĩa là: loại yếu tố Hán Việt nào cần phải giải nghĩa, và giải nghĩa bằng cách gì?

+ Đối với các từ Hán Việt đơn tiết như: Đầu, tủy, óc, quan, dân, hổ, báo, tùng, táo, lê, cấm, cấp, chúc, cao, lạnh, ác, độc , khổ, suy, tàn, tham… chúng được sử dụng như các từ thuần Việt, đã trở nên quen thuộc dễ hiểu với người Việt, do vậy khi dạy từ Hán Việt, với loại này chúng ta không cần giải nghĩa.

+ Đối với các từ Hán Việt đa tiết, thì đây là bộ phận từ vựng chiếm số lượng tuyệt đại đa số trong lớp từ Hán Việt. Phần lớn các yếu tố trong từ đều có nghĩa nhưng không có khả năng hoạt động tự do trong tiếng Việt. Do vậy, việc hiểu đúng nghĩa của từ, ít nhiều phụ thuộc vào việc hiểu nghĩa các yếu tố trong từ. Các từ loại này có đặc điểm về cấu tạo là chúng được tạo nên từ các yếu tố có nghĩa độc lập. Trong tiếng Hán, các yếu tố đó thường được dùng với tư cách là từ. Cho nên việc nắm được nghĩa của từng yếu tố trong từ là rất quan trọng. Thuộc loại này thường là các từ như: Am tường (諳詳)-  an khang (安康), an tọa (安坐), ân nghĩa (恩義) … Đối với loại từ Hán Việt cấu tạo theo kiểu này, phải giải nghĩa thì học sinh mới thể hiểu một cách đầy đủ, chính xác. Có rất nhiều cách giải nghĩa từ Hán Việt, cách đầu tiên mà người ta hay áp dụng đó là giải nghĩa của từ qua nghĩa của các yếu tố trong từ. Phương pháp này thường được mọi người quen gọi là “chiết tự”.

2.5.2. Dùng phương pháp “chiết tự” đối với phần lớn các từ ghép và thành ngữ để tìm hiểu nghĩa của chúng theo cấu tạo

Muốn hiểu hay giải nghĩa từ và thành ngữ Hán Việt trước hết phải hiểu được đặc điểm cấu tạo từ và thành ngữ. Các từ đa tiết Hán Việt đa số được cấu tạo theo phương thức ghép; thành ngữ Hán Việt là ngữ cố định cũng có cấu tạo như thành ngữ thuần Việt.

+ Đối với từ ghép Hán Việt

* Từ ghép đẳng lập: Các yếu tố trong từ có vai trò ngữ pháp ngang nhau, nghĩa của chúng cùng chỉ một phạm trù (hoặc cùng chỉ sự vật, hoặc cùng chỉ hoạt động, hoặc cùng chỉ tính chất), nằm trong một trường nghĩa, có quan hệ đồng  nghĩa, gần nghĩa, liên quan với nhau, hoặc trái nghĩa nhau, vì thế mà nghĩa của chúng hợp lại tạo cho từ có nghĩa khái quát. Cũng cần chú ý thêm, nghĩa của từ không phải là phép cộng đơn giản từ nghĩa của các yếu tố trong từ mà nó đã được cấu trúc hóa, khái quát hóa, có thể theo hướng biểu trưng. Do vậy nghĩa của các yếu tố, từ ngữ cảnh. Nắm được đặc điểm ấy để từ chỗ giải thích nghĩa cụ thể của từng yếu tố, ta đi đến khái quát, hoặc biểu trưng hóa thành nghĩa chung.

   Chẳng hạn: Bài thơ Bàn tay cô giáo của Nguyễn Trọng Hoàn có khổ thơ sau:

                                         Như phép mầu nhiệm

Hiện trước mắt em

Biển biếc bình minh

Rì rào sóng vỗ

                [1.93]

Đoạn thơ trên có từ ghép Hán Việt đẳng lập “bình minh” (平明).

  • Bình (平) có nhiều nghĩa. Trong đó có nghĩa  là “bằng phẳng”;  nghĩa “bằng nhau”, “ngang nhau”; nghĩa  “yên ổn”; nghĩa không có chiến tranh (hòa bình, thái bình)…

 + Minh 明 nghĩa thứ nhất là sáng, nghĩa thứ hai là chỉ đời nhà Minh (Trung Quốc)

     Ghép cả hai từ lại “bình minh” nghĩa là chỉ lúc trời vừa sáng chứ không phải gộp hai nghĩa của từ “bình” và “minh” lại với nhau.

* Từ ghép chính phụ Hán Việt có hai loại.

       Loại thứ nhất có cấu tạo: Yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau (trật tự ngược). Khi giải nghĩa từ chúng ta cũng giải nghĩa từng yếu tố như loại từ ghép đẳng lập, nhưng khi ghép thành nghĩa chung của từ thì lại phải bắt đầu từ nghĩa của yếu tố chính (đứng sau). Ví dụ: Bài thơ Cao Bằng  của Trúc Thông có khổ thơ sau:

                                      Đã dâng đến tận cùng

Hết tầm cao Tổ quốc

Lại lặng thầm trong suốt

Như suối khuất rì rào.

               [1.97]

Đoạn thơ trên có từ ghép chính phụ “tổ quốc” (祖國). Trong đó nghĩa của từ “tổ”  (祖) là tổ tiên, cha ông; nghĩa của từ quốc (國)là “đất nước”, “quốc gia”

Ghép hai từ  “tổ quốc” (祖國)nghĩa là:  đất nước do cha ông để lại. Như vậy, yếu tố chính ở đây là “quốc” (đứng sau) chứ không phải là yếu tố “tổ” (đứng trước).

Loại từ ghép chính phụ thứ hai có cấu tạo: Yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau (trật tự từ thuần Việt). Trình tự giải nghĩa kiểu này phải bắt đầu từ yếu tố đứng trước. Ví dụ: Đại = thay, diện = mặt, đại diện = thay mặt; lưu = ở lại, giữ lại, ban = lớp, lưu ban = ở lại lớp; tương tự ta có thể giải thích: Lưu danh (tiếng) = để lại tiếng thơm; lưu niệm = để lại làm kỉ niệm; phóng đại = làm to ra; phóng sinh = tha mạng sống cho các loài vật; phóng thanh = truyền to tiếng nói… v. v.

+ Đối với thành ngữ Hán Việt

Ngoài các loại từ Hán Việt như nêu trên, trong từ vựng tiếng Việt còn có một số lượng không ít các thành ngữ Hán Việt. Thành ngữ Hán Việt là những ngữ cố định được tiếng Việt vay mượn tiếng Hán và đọc theo âm Hán Việt. Cũng như từ Hán Việt, cấu tạo thành ngữ Hán Việt là theo quy tắc ngữ pháp tiếng Hán. Việc giải nghĩa thành ngữ thường phức tạp hơn giải nghĩa từ. Tuy có một số thành ngữ, nghĩa của chúng được suy ra trực tiếp từ nghĩa của các yếu tố tạo nên nó nhưng cũng có nhiều thành ngữ được dùng với nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng. Lại còn có một số thành ngữ được hình thành trên cơ sở những câu chuyện dân gian. Trừ loại thành ngữ đặc biệt này, muốn nắm được nghĩa của nó thì phải biết câu chuyện có liên quan, các loại thành ngữ khác, về cơ bản, muốn giải nghĩa thì cũng phải bắt đầu từ việc hiểu, giải thích nghĩa các yếu tố. Do đó, trong một chừng mực nhất định, chúng ta vẫn có thể áp dụng cách giải nghĩa yếu tố. Ví dụ: Câu thành ngữ “hữu sắc vô hương” (有色无香) -> Hữu (có) sắc (màu sắc) (không có) hương (thơm) = có màu sắc đẹp mà không có hương thơm;  

Thành ngữ có thể có nghĩa bóng nhưng nghĩa bóng bao giờ cũng được tạo ra trên cơ sở nghĩa đen, từ nghĩa của các yếu tố. Ví dụ : câu thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương” à Hữu (有) – có; xạ ( ) -> chất thơm lấy từ bướu con hươu xạ hoặc con cầy hương) tự  (mình, tự mình) nhiên () – đúng, như thế; hương (香) – thơm. Nghĩa đen của câu thành ngữ này là: có chất thơm thì thơm tự nhiên; nghĩa bóng: có tài thì tự nhiên được biết đến.  

2.5.3. Giải nghĩa từ Hán Việt dựa vào ngữ cảnh và điển tích, điển cố

+ Đặt từ vào ngữ cảnh cụ thể:

Trong tiếng Việt, có những từ Hán Việt chúng ta không chỉ sử dụng phương pháp thuyết minh nghĩa yếu tố cấu tạo và quan hệ giữa chúng là có thể giải thích đúng nghĩa của từ. Bởi vì, có những từ, nghĩa của nó gắn với điển tích, điển cố. Có những từ, nghĩa gốc của các yếu tố trong từ đã mờ, hoặc đã biến đổi nghĩa. Có những từ mà sự kết hợp ngữ nghĩa giữa các yếu tố hoàn toàn chỉ có tính chất võ đoán, hoặc chỉ theo thói quen nào đó v.v. Ví dụ: Phu nhân (夫人)-> Tiếng tôn xưng người đàn bà đã có chồng — Cũng là tiếng tôn xưng các bà vợ quan, nếu giải nghĩa theo kiểu chiết tự, phu là “chồng”, nhân là “người”, phu nhân là “người chồng” thì sai. Hay như gia nhân (家人). Từ này nếu giải nghĩa theo kiểu chiết tự thì sẽ có nghĩa là “người nhà”, thực ra phải hiểu là “người ở giúp việc trong nhà – đầy tớ trong nhà” mới đúng. Ngoài ra cũng cần thấy một thực tế trong tiếng Việt, số lượng các yếu tố Hán Việt đồng âm rất lớn. Do vậy, rất dễ nhầm lẫn yếu tố này với yếu tố kia, nếu chỉ áp dụng phương pháp giải nghĩa yếu tố. Mặt khác, còn có hiện tượng một yếu tố Hán việt có thể có nhiều nghĩa, trong một ngữ cảnh, chỉ có một nghĩa cụ thể của nó được sử dụng mà thôi, vậy nên đó cũng là một khó khăn đối với việc giải nghĩa từ Hán Việt.

Như vậy, ta có thể hình dung, công việc giải nghĩa từ Hán Việt rất phức tạp, không phải với yếu tố nào cũng có thể áp dụng phương pháp “chiết tự”. Ta có thể áp dụng phối hợp với nhiều phương pháp khác, một trong những phương pháp đó là đặt từ trong ngữ cảnh cụ thể. Khi từ nằm trong ngữ cảnh, nhờ quan hệ với những yếu tố đi kèm, nghĩa của từ cần xét sẽ được xác định.  Chẳng hạn: từ “hy sinh” (犧牲) –  Hy sinh vốn đều có nghĩa là súc vật tế thần, nhưng trong sử dụng, trong ngữ cảnh, không cần biết điều đó người ta vẫn có thể nắm được nghĩa chuyển của nó là chỉ cái chết vì việc nghĩa, vì đất nước (Tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh). Còn từ  “hy sinh” trong câu “Tôi nguyện suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”, thì hy sinh ở đây lại có nghĩa là: nhận về mình một cách tự nguyện sự mất mát một cách lớn lao nào đó.

Đối với thành ngữ, việc giải thích nghĩa có phần phức tạp hơn, do tính cố định về kết cấu và ý nghĩa biểu trưng của chúng. Nhưng cũng chính do tính cố định về kết cấu mà nghĩa của thành ngữ không phải là phép cộng nghĩa đơn thuần từ nghĩa của các yếu tố mà nghĩa của nó thường thoát ra từ chỉnh thể. Cho nên, chúng ta có thể giúp cho người học nắm nghĩa của thành ngữ bằng cách đặt nó trong ngữ cảnh cụ thể. Phương pháp này có thể áp dụng cho những thành ngữ tương đối khó hiểu. Ví dụ, đọc 2 câu: “Đành rằng sự mất mát sự còn là luật chung của tạo hóa. Nhưng gặp lúc sinh li tử biệt thì khó mà ngăn nổi xót thương.”(Hồ Chí Minh), chúng ta có thể hiểu được nghĩa chung của thành ngữ sinh li tử biệt được dùng trong ngữ cảnh này là “chết, kẻ còn người mất”.

Một số thành ngữ Hán Việt khó hiểu với học sinh, trước hết là do các thành ngữ ít được dùng nên trở thành xa lạ chứ không phải là nghĩa của nó khó hiểu. Đối với loại này chúng ta có thể chỉ cần giải thích nghĩa của thành ngữ trên cơ sở nghĩa từng yếu tố.

+ Dựa vào điển tích, điển cố:

Một số thành ngữ, tục ngữ Hán Việt được hình thành từ những câu chuyện dân gian, những điển tích điển cố. Muốn học sinh hiểu được nghĩa chính xác, một cách lí thú, sâu sắc, đặc biệt là tính biểu trưng của nó, thì chúng ta phải giải thích, hoặc kể chuyện.  Chẳng hạn nghe thành ngữ hồng diệp xích thằng  (紅葉赤繩) thành ngữ này theo nghĩa đen là “Lá màu hồng và dây đỏ”, theo nghĩa bóng là “tình duyên giữa nam và  nữ, là nói về duyên số tiền định trong tình yêu”. Nếu nghe câu chuyện sau đây kể về hai người thì học sinh chắc sẽ hiểu sâu hơn. Chuyện kể: Vua Hựu đời Đường kết duyên với nàng cung nữ mà trước đây nàng đã từng đề thơ của mình vào chiếc lá thắm thả trôi theo dòng nước gửi vào cung cấm. Vì cố kết duyên với người con gái mà trước đây chàng từng thuê người giết vì muốn chống lại duyên phận khi ông tơ cho biết chỉ hồng đã buộc chân hai người từ thủa vợ chàng còn là cô bé lên ba”.

+ Giải nghĩa từ Hán Việt bằng cách đối chiếu với từ thuần Việt đồng nghĩa:

Do vay mượn từ nên trong tiếng Việt hiện tượng đồng nghĩa giữa từ Hán Việt với từ thuần Việt khá phong phú. Nếu như từ Hán Việt phần lớn có tần số sử dụng thấp, các yếu tố luôn nằm trong kết cấu cố định của từ vì thế chúng thường tạo ra sắc thái nghĩa trừu tượng, khó hiểu thì ngược lại các từ thuần Việt, do được dùng phổ biến, thường xuyên mà trở thành quen thuộc với mọi người, cho nên, ngoài hai biện pháp giải nghĩa như trên, ta có thể áp dụng phương pháp đối chiếu từ Hán Việt với từ thuần Việt tương đồng về nghĩa. Dùng từ đã quen thuộc, dễ hiểu để giải thích cho từ không quen thuộc, khó hiểu.

Do nhiều lý do mà các từ Hán Việt đồng nghĩa có thể cùng song hành trong tiếng Việt bên cạnh từ thuần Việt. Hiện tượng đồng nghĩa như vậy không phải là hiện tượng dư thừa, lãng phí của ngôn ngữ. Để có thể cùng tồn tại, các đơn vị đồng nghĩa “tự điều chỉnh” để tạo ra giá trị riêng cho mình về nghĩa, về sắc thái phong cách hay phạm vi sử dụng. Do vậy, khi đối chiếu từ Hán Việt với từ thuần Việt đồng nghĩa cần chú ý đến ba loại sau đây:

+ Những từ tương đồng về nghĩa:

Những từ Hán Việt nói ở đây thường có nội dung ngữ nghĩa tương đồng với từ thuần Việt ở mức độ tương đối cao. Cho nên nếu cần giải nghĩa từ Hán Việt loại này chỉ cần dẫn ra từ thuần Việt đồng nghĩa tương ứng là học sinh có thể lĩnh hội được ngữ nghĩa. Ví dụ:

Từ Hán Việt                                              Từ thuần Việt

Phi cơ  (飛機)                                            Máy bay

Giang sơn (江山)                                       Sông núi

Huynh đệ (兄弟)                                        Anh em

Phụ mẫu (父母)                                          cha mẹ

Về thành ngữ, trong tiếng Việt, có một số thành ngữ thuần Việt tương đồng về nghĩa với thành ngữ Hán Việt, do vậy, đối với những thành ngữ Hán Việt loại này, để giải thích nghĩa, có thể dùng cách đối chiếu, dẫn ra thành ngữ thuần Việt đồng nghĩa với nó. Ví dụ:

Thành ngữ Hán Việt                                       Thành ngữ thuần Việt

Bách chiến bách thắng  (百戰百勝)                 Trăm trận trăm thắng

Bán tín bán nghi  (半信 半疑)                            Nửa tin nửa ngờ

Cao lương mĩ vị  (膏粱美味)                              Của ngon vật lạ

Độc nhất vô nhị  (獨一二 )                            Có một không hai

+  Những từ vừa tương đồng vừa phân biệt với nhau về nghĩa, sắc thái nghĩa nhất định:

Có một số từ ngữ Hán Việt đồng nghĩa với từ thuần Việt nhưng nghĩa của chúng không hoàn toàn đồng nhất. Do nhiều lí do mà các cặp từ đồng nghĩa này có sự khác nhau ít nhiều về nghĩa. Có thể ngay từ đầu, giữa yếu tố bản địa và yếu tố vay mượn vốn đã có sự khác nhau ít nhiều, nhưng cũng có thể do sự hành chức của chúng trong ngôn ngữ, không chấp nhận ra sự giống nhau hoàn toàn. Do vậy khi giải thích nghĩa từ Hán Việt bắng cách đối chiếu với từ thuần Việt, chúng ta đồng thời cần chỉ ra nghĩa hoặc nét nghĩa khác nhau giữa chúng. Ví dụ:

Vĩ đại (偉大)là to lớn, nhưng vĩ đại không chỉ là to và lớn mà còn có thêm sắc thái nghĩa về tầm vóc, tầm cỡ và giá trị lớn lao, đáng khâm phục.

Kiến thiết (建设)là xây dựng nhưng kiến thiết có nghĩa hẹp hơn xây dựng; ngoài nghĩa chung là tạo ra, làm nên công trình, quy mô, công phu, đòi hỏi có kỹ thuật, xây dựng còn nói tới việc tạo ra những cái trừu tượng, và cụ thể về đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm, phong trào, tổ chức. Ví dụ: “Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi no ấm” (Hồ Chí Minh).

+ Những từ tương đồng về nghĩa nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm và phong cách:

Nói chung những từ Hán Việt đồng nghĩa với từ thuần Việt thì bên cạnh sự khác nhau về nghĩa và sắc thái nghĩa có thể có, giữa chúng còn có sự phân biệt về sắc thái biểu cảm và phong cách. So với từ thuần Việt, ngoài nghĩa, trong trường hợp cần thiết cũng cần chỉ ra sắc thái biểu cảm và phong cách đối lập (tao nhã, trang trọng, cổ kính) của từ Hán Việt. Đó là những từ nằm trong cặp đối lập như: Lệ – nước mắt; nguyệt – trăng; phu nhân – vợ; phụ nữ – đàn bà; nam giới – đàn ông; thiếu niên – trẻ con; phụ lão – người già; tổ quốc – đất nước v.v.

2.5.4. Bổ sung kiến thức Hán Việt vào giáo án giảng dạy

+ Bổ sung từ Hán Việt cho phân môn luyện từ và câu:

Cung cấp thêm cho học sinh một số từ Hán Việt ngoài những từ mà sách giáo khoa đã cung cấp.

          Trong các tiết mở rộng vốn từ, giáo viên có thể cung cấp thêm một số từ Hán Việt ngoài những nghĩa mà sách giáo khoa cung cấp. Việc cung cấp thêm một số từ Hán Việt không làm cho học sinh nặng nề mà các em còn cảm thấy rất thú vị vì được khám phá những điều mới mẻ.

(Cột có dấu + để ghi các từ thể hiện lòng nhân hậu hoặc đoàn kết. Cột có dấu – để ghi các từ có nghĩa trái với nhân hậu, đoàn kết).

               Từ +
Nhân hậu            M: nhân từ M: độc ác
Đoàn kết M: đùm bọc M: chia rẽ

Sau khi học sinh sắp xếp các từ trên vào hai nhóm trên, giáo viên có thể cho học sinh tìm thêm một số từ ngoài sách giáo khoa phù hợp với mỗi nhóm, hoặc giáo viên có thể cung cấp trực tiếp một số từ như: Cay nghiệt, ác độc, nanh ác, nhân đức, nhân nghĩa     

Thực tế, nhiều em vẫn sử dụng các số từ Hán Việt trong giao tiếp và trong luyện từ và câu nhưng do không hiểu nghĩa dẫn đến sử dụng sai. Do đó, bên cạnh việc cung cấp từ giáo viên phải giải nghĩa từng từ cho học sinh hiểu được nghĩa của từ và biết cách sử dụng cho đúng nghĩa, phù hợp văn cảnh là điều rất cần thiết.

+  Bổ sung từ Hán Việt cho phân môn Tập đọc:

         Tập đọc là một môn học rất quan trọng với học sinh, ngoài việc đọc trôi chảy, diễn cảm, đọc đúng… thì các em cũng cần hiểu được nghĩa của các từ nhất là nghĩa của các từ Hán Việt có trong bài tập đọc và giáo viên nên cung cấp thêm một số từ Hán Việt không có trong bài nhưng lại có nghĩa giống với những từ trong bài để các em thấy được sự phong phú của vốn từ Hán Việt từ đó hiểu được nội dung, ý nghĩa chung của bài.

+ Bổ sung từ Hán Việt cho phân môn Tập làm văn

Tập làm văn là phân môn rất quan trọng của quá trình luyện tập cho học sinh có năng lực sử dụng tiếng Việt, làm công cụ giao tiếp và tư duy. Để làm được bài văn, học sinh phải huy động vốn kiến thức nhiều mặt như: Các hiểu biết về cuộc sống, tri thức về văn học, khoa học, xã hội… học sinh lại còn phải sử dụng nhiều loại kỹ năng như: Dùng từ đặt câu, dựng đoạn, tạo văn bản, kỹ năng phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý… và nhân tố quan trọng để làm một bài văn là vốn từ. Vốn từ phong phú là yếu tố quan trọng để giúp học sinh có thể tham gia vào các hoạt động giao tiếp ngôn từ một cách có hiệu quả. Để làm giàu vốn từ cho học sinh, trước hết chúng ta phải tìm hiểu các khả năng tiếp nhận từ ngữ của mỗi học sinh, đặc biệt là vốn từ Hán Việt. Như chúng ta đã biết từ Hán Việt chiếm tới 75% trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, khi làm một bài văn, hay một đoạn văn học sinh phải huy động khá nhiều từ Hán Việt, chính vì vậy giáo viên nên cung cấp cho học sinh một số từ Hán Việt theo các dạng bài văn.

Ví dụ: Lập dàn ý cho bài văn tả chiếc áo em mặc đến lớp.

          Ở bài này giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh cách lập dàn ý cho bài văn và cung cấp cho các em một số từ Hán Việt để miêu tả về chiếc áo như sau:

Mở bài: Giới thiệu chiếc áo hiện đang mặc tới lớp: Chiếc áo có tự bao giờ? Mua hay may trong dịp nào? Ai mua, mua ở đâu?

          Ví dụ: Đó là chiếc áo em được mẹ may cho nhân dịp đầu năm học mới (giáo viên có thể cung cấp thêm các từ như: Ngày khai trường, trung thu, tết thiếu nhi,..)

Thân bài: Tả bao quát chiếc áo (hình dáng, kiểu, rộng, hẹp, loại vải, màu gì?)

 + Áo màu trắng, chất vải cô tông, kiểu áo sơ mi, dáng rộng, mặc rất thoải mái (giáo viên cung cấp thêm từ như: Vải tổng hợp, kiểu cổ điển, hiện đại…)

 + Tả từng bộ phận (cổ áo, thân áo, tay áo, nẹp, khuy áo, tà áo…giáo viên chú ý giải nghĩa các từ Hán Việt).

Kết bài: Tình cảm của em với chiếc áo.

          + Em rất thích chiếc áo vì nó do chính tay mẹ em mua cho. Mặc nó em có cảm giác như mình lớn lên thêm.

Từ đây học sinh có thể sử dụng các từ này vào đoạn văn, khi đó đoạn văn của các em sẽ hay, sinh động, và lôi cuốn người đọc hơn.

  1. Kết luận

 Khi tìm hiểu nghiên cứu và từ đó Đề xuất  một số biện pháp dạy từ Hán Việt cho học sinh tiểu  chúng tôi đã đưa ra ba biện pháp giảng dạy từ Hán Việt đó là: Giải nghĩa từ Hán Việt bằng cách thuyết minh nghĩa cấu tạo và quan hệ giữa chúng, giải nghĩa từ Hán Việt dựa vào ngữ cảnh, giải nghĩa từ Hán Việt bằng cách đối chiếu với từ thuần Việt đồng nghĩa. Không chỉ vậy mà chúng tôi còn bổ sung một số kiến thức Hán Việt (từ Hán Việt) vào trong các phân của môn Tiếng Việt như: Tập đọc, luyện từ và câu. Việc làm này sẽ giúp cho giáo viên dạy tốt hơn các bài có chứa kiến thức Hán Việt, học sinh hiểu và biết sử dụng từ Hán Việt vào từng trường hợp cụ thể.

Tài liệu tham khảo

[1]  Bộ Giáo dục & Đào tạo (2018) Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn – Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[2]  Hoàng Trọng Canh (2009), Từ Hán Việt và việc dạy học từ Hán Việt ở tiểu học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

[3]  Nguyễn Tài Cẩn (1979). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[4]  Nguyễn Công Lý (2003). Mở rộng vốn từ Hán Việt, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[5]  Phan Ngọc (1991). Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[6]  Đỗ Hữu Châu (1996). Từ vựng ngữ nghĩa Tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[7]  Nguyễn Như Ý –chủ biên (2001). Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học,  Nhà xuất bản Giáo dục.

Tác giả

Triệu Thị Mai Hòa
Đã xuất bản 10/09/2024

Most read articles by the same author(s)