Một số Motip nổi bật trong truyền thuyết dân gian về người anh hùng Trần Quốc Tảng

Trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta, nhân dân ta đã sinh ra biết bao anh hùng và những anh hùng được nhân dân yêu mến thì hầu như đều được dân gian hoá thành huyền thoại, thành truyền thuyết, giai thoại…

Trần Quốc Tảng chính là một trong số những anh hùng như thế.  Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu một số motip dân gian trong truyền thuyết về Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (1252 – 1313) – một vị tướng tài ba thời Trần, con trai thứ ba của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Từ Quốc Mẫu (tức công chúa Thiên Thành). Đó là các motip hoá thân thần kỳ, motip hiển linh âm phù, motip mắt tre mọc ngược. Truyền thuyết về ông đương nhiên chưa phải sử liệu chính xác, nhưng là nguồn tư liệu quý về một chặng đường hào hùng của dân tộc, đồng thời thể hiện lòng mến mộ của nhân dân về người anh hùng này. Đó còn là một bức thông điệp truyền đời nọ tiếp đời kia về một nhân vật lịch sử cho những người đang sống hôm nay.

SUMMARY

In the long history of building and defending the country, our nation and people have given birth to countless heroes and those heroes who are loved by the people have almost all been popularized into legends, myths, and anecdotes… Tran Quoc Tang is one of those heroes. The following article will delve into some folk motifs in the legend of Hung Nhuong Vuong Tran Quoc Tang (1252 – 1313) – a talented general of the Tran Dynasty, the third son of Hung Dao Dai Vuong Tran Quoc Tuan and Nguyen Tu Quoc Mau (aka Princess Thien Thanh). These are the motifs of miraculous incarnation, the motif of spiritual manifestation, the motif of upside-down bamboo eyes. The legend about him is of course not an accurate historical document, but it is a valuable source of information about a heroic period of the nation, and at the same time shows the people’s admiration for this hero. It is also a message passed down from generation to generation about a historical figure for people living today.

1.Motip hóa thân thần kì

Trong hệ thống truyền thuyết về Trần Quốc Tảng có tới ba truyện sử dụng motip hóa thân thần kì. Trong đó, có hai truyện kể rằng Trần Quốc Tảng đã hóa đá sau một cơn mưa gió trên biển. Một truyện có chi tiết hổ đứng chầu xác và mối đùn thành nấm mộ.

Sự qua đời của Trần Quốc Tảng có một số điều khác thường: thứ nhất, Trần Quốc Tảng đã hóa thành đá sau một cơn mưa to gió lớn; thứ hai, chiếc mũ ông đội khi xông pha trận mạc cũng hoá thạch nhưng lại nổi trên mặt nước; thứ ba là hổ canh xác ông suốt đêm và đến sáng mai thì mối đùn thành mộ. Có thể nói, motip mối đùn thành mộ là một motip khá phổ biến trong dân gian. Đó là cách mà nhân dân thường lựa chọn để khẳng định cái chết thiêng liêng của người anh hùng chiến đấu vì dân, vì nước. Vì quan niệm: anh hùng là linh khí của núi sông nên nhân dân không muốn người anh hùng phải chết, hoặc có chết thì cũng không thể là cái chết bình thường. Mối đùn thành mộ, mà dân gian gọi là “thiên táng”, là cách nhân dân lựa chọn để tôn vinh người anh hùng. Cách lựa chọn này khác hẳn với kết cục của truyện Lời nguyền của Trần Hưng Đạo. Truyện này đã lí giải như sau: Đau buồn vì người cha yêu kính không còn, lại thêm tâm trạng uất ức vì không được nhìn mặt cha lần cuối, Trần Quốc Tảng đã treo mình tự tử trên cành đa. Đây là cách lựa chọn mang quan niệm chính thống của nhà nước phong kiến, phục vụ cho mục đích của giai cấp thống trị. Để củng cố vương quyền, họ đã đề cao tuyệt đối chữ trung, chữ hiếu. Theo họ, Trần Quốc Tảng đã mắc tội “bất hiếu”. Ông là người từng đưa ra ý kiến với cha đẻ là “nên cướp ngôi vua của nhà Trần khi đất nước lâm nguy, chính vì thế ông bị cha đẻ rút gươm định giết, may nhờ có Hưng Vũ Vương Nghiễn biết và vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, bấy giờ Trần Quốc Tuấn mới tha1. Vì thế, Quốc Tảng phải tự trừng phạt mình bằng cái chết như vậy. Dân gian thì khác, Trần Quốc Tảng có lỗi nhưng đã lập công chuộc tội và điều đó phải được đền bù xứng đáng. Cái chết của người anh hùng không chỉ khiến lòng người thương xót, nuối tiếc mà cả đất trời cũng phải cảm động. Những gò, đống, cồn do mối đùn ấy trong truyền thuyết người Việt có giá trị rất thiêng liêng. Nó được gắn với những nhân vật cụ thể và tồn tại trong những không gian cụ thể. Những gò, đống, cồn do mối đùn hay do tự xuất hiện (thường là sau cơn mưa gió lớn), theo chúng tôi, có mối liên hệ với biểu tượng đá thiêng, bởi đá có thể xếp thành đống. Thực ra, hiện tượng người hóa đá không phải lần đầu tiên xuất hiện trong truyền thuyết Trần Quốc Tảng mà ngay từ xa xưa đá đã trở thành biểu tượng từ văn hóa đến văn học.

Từ thuở xưa, khi con người bắt đầu biết sử dụng đôi tay một cách khéo léo để phục vụ cuộc sống của mình thì đá đã là chất liệu đầu tiên mà họ sử dụng. Thời đại đồ đá là thời đại tương đối dài trong lịch sử loài người. Do đó, với con người, đá có một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đá để tạo ra lửa – một cái mốc quan trọng đưa loài người sang xã hội văn minh. Trước khi làm ra nhà thì hang đá đã là nơi người ta sinh ra, ăn, ở và chết đi. Đến khi thuyết “vật linh” xuất hiện, người ta thấy: giữa đá và linh hồn con người có mối quan hệ chặt chẽ, sâu sắc.

Thờ đá là một hiện tượng tín ngưỡng cổ xưa. Đó là một trong những hình thức biểu hiện của thuyết “vật linh”. “Thờ đá là một tín ngưỡng nguyên thủy rất phổ biến trên thế giới”2. Ta có thể thấy trong các công trình nghiên cứu văn hóa nguyên thủy các tác giả đều có đề cập đến tín ngưỡng thờ đá. Tín ngưỡng đó xuất phát từ quan niệm đá là nơi cư ngụ lí tưởng của các thần linh có thần lực cực mạnh. ở Hy Lạp, đỉnh Ôlimpơ là nơi ngự trị của các thần linh. Ở Việt Nam, núi Tản Viên là nơi ở của Sơn Tinh… Ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đá được coi là “Vật bảo mệnh của cả cộng đồng”.

Jean – Paul Roux trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, khi nghiên cứu những tín ngưỡng dân gian vùng Altai đã cho rằng: “Đá vẫn trơ trơ không thay đổi từ khi mà những vị tổ tiên xa xưa nhất đã dựng lên hoặc đã khắc lên cho nó những bức thông điệp của mình, đá là vĩnh cửu, là sự sống ở trạng thái tĩnh, đối lập với nghĩa tượng trưng của cây là “sự sống ở dạng động3. Cũng theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, đá “là vật sống và mang lại sự sống”, “Ở Việt Nam, đã có những trường hợp đá bị chảy máu khi cuốc vào. Hy Lạp, sau trận đại hồng thủy, loài người lại sinh ra từ những hòn đá”. Theo truyền thuyết, “Chúa Ki tô sinh ra từ đá”, ở  Trung Hoa, “Đại Vũ sinh ra từ một tảng đá và Thái tử Kì, con trai của ông cũng sinh ra từ một tảng đá, nứt ra ở mặt phía Bắc”4. Đồng ý với những ý kiến trên, tác giả Nguyễn Bích Hà cũng cho rằng: “Hiện tượng người sinh ra từ đá không phải là hiếm trong thần thoại Việt Nam và thế giới5.

Nếu trong cổ tích, dân gian thường để cho các nhân vật hóa đá khi không còn lối thoát, không thể tự thanh minh cho mình (truyện Đá Vọng Phu, Trầu cau…) thì trong truyền thuyết, nhân vật hóa đá phản ánh cách nhìn của dân gian đối với lịch sử. Nếu kẻ thù cố tình xuyên tạc sự nghiệp của các vị, gọi các vị là giặc thì nhân dân đã có cách “chép sử” của riêng mình để ghi tạc chiến công. Trải qua thời gian, tục thờ đá ở người Việt xưa đã được chuyển đổi dưới nhiều dạng, ghép trong tín ngưỡng thờ cúng những nhân vật anh hùng – tổ tiên, những người sinh ra và bảo vệ cộng đồng. Những truyền thuyết kể trên chính là biểu hiện quan niệm đá có chứa linh hồn. Từ quan niệm đó, tác giả dân gian mượn đá để chỉ sự hiển linh bất diệt của những giá trị tinh thần truyền thống.

Trở lại điều khác thường (chi tiết người hóa đá) trong truyền thuyết Trần Quốc Tảng, ta thấy ý nghĩa của motip này không nằm ngoài những điều vừa phân tích ở trên. Nhưng ở đây ta cũng cần lưu ý nét độc đáo của motip. Truyền thuyết về đền Cửa Ông kể: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày, tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó, sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước… trên phiến đá có một cái mũ đá… đo phiến đá được năm thước bốn tấc, ngang hai thước ba tấc, có năm màu huyền ảo như mây…”.6

Cũng trong truyền thuyết này, ta gặp chi tiết: lời thề của Đức Ông: “Nếu kẻ bề tôi này có lòng phản dân hại nước sẽ chết chìm dưới đáy biển sâu. Bằng không dù hóa thành đá vẫn nổi.” Như vậy, đá không chỉ là nơi trú ngụ của linh hồn mà hình tượng đá nổi trên mặt nước còn khẳng định tấm lòng son của các nhân vật truyền thuyết. Đá với thuộc tính kiên định, lặng lẽ là một biểu tượng thích hợp thể hiện sự tích tụ những nỗi u uất, nỗi oan không thể thanh minh bằng lời. Có thể nói, khó có thể tìm được biểu tượng nào có sự tích tụ các lớp ý nghĩa ở chiều sâu hay hơn biểu tượng đá. Và truyền thuyết về Trần Quốc Tảng với mô típ người hoá đá đã thể hiện rất sâu sắc nỗi oan, nỗi u uất, nỗi niềm tâm sự đầy vơi của ông khi còn sống. Mượn motip này để nói về cái chết của Quốc Tảng, dân gian cũng đã bộc lộ sự cảm thông sâu sắc của mình với những gì mà ông phải chịu.

Mặt khác, trong quan niệm của nhân dân, đá còn là biểu tượng của đất mẹ. Xu hướng người anh hùng ra đi (đánh giặc) rồi trở về nhập vào trời đất (đá) chính là sự hoà nhập giữa tâm lí cá nhân và tâm lí tập thể. Xu hướng này tạo ra một motip chung gây niềm tin sâu sắc trong lòng cộng đồng về những lí tưởng, những lẽ sống làm cho con người cảm thấy dường như hợp lý, là sự thật không thể nào khác được. Về vấn đề này, chúng tôi thấy cần dẫn thêm ý kiến của Cao Huy Đỉnh. Theo Cao Huy Đỉnh thì một kiểu kết cấu thông thường của thời kì bộ lạc là người anh hùng bao giờ cũng trở về chết trong lòng mẹ,trở về và hòa vào thị tộc” … “Người anh hùng của nhân dân không được chết bên phía địch, trong tay địch, càng không được đầu hàng địch, làm tay sai cho địch7. Ở những truyền thuyết thời kì sau, tuy ít gặp hình ảnh người anh hùng mang đầu về đến quê hương rồi mới chết nhưng cách mà dân gian dùng để bất tử hóa người anh hùng của mình vẫn bộc lộ quan niệm ấy. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: dù là gò, đống, cồn, hay đá thì tất cả đều thuộc về Đất Mẹ, đều là biểu tượng Đất Mẹ.

  1. Motip hiển linh âm phù

Với quốc gia Đại Việt, nước không thể bị diệt vong cũng như anh hùng dân tộc luôn sống mãi với núi sông. Người anh hùng không chết mà chỉ đi vào cõi bất tử. Và trong trường hợp phải chết thì đó cũng là cái chết rất đặc biệt, rất linh thiêng. Điều cần lưu ý tiếp ở đây là đối với nhân vật truyền thuyết luôn bất tử, đó là sự hiển linh âm phù cho đời sau. “Cái chết của nhân vật truyền thuyết mở ra một đời sống mới, một đời sống tinh thần ở cấp độ cao hơn, bởi nhân vật truyền thuyết được liệt vào hàng “tôn ti đẳng cấp” ngăn cách với độc giả bằng một “khoảng cách giá trị””8.

Motip hiển linh âm phù là một motip rất quen thuộc trong truyền thuyết và hình như đối với một truyền thuyết lịch sử, mà không kể về sự hiển linh của nhân vật sẽ gây cảm giác thiếu hụt trong đối tượng tiếp nhận. Truyền thuyết về Hai Bà Trưng kể câu chuyện Hai Bà vâng mệnh Thượng đế làm ra mưa giúp dân qua đại nạn thời vua Lý Anh Tông. Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi chết còn “đem vạn đội thần binh” giúp Ngô tiên chúa thắng trận ở sông Bạch Đằng (Truyền thuyết về Bố Cái Đại Vương). Trong niềm tin yêu của nhân dân, Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) không chỉ giúp đời sau thắng giặc mà còn giúp nhân dân trừ yêu Phạm Nhan. Đài kỉ niệm Hồ Gươm ở Hà Nội có truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm giải thích cho muôn đời con cháu nghe về chuyện tổ tiên (Long Quân) đã cùng ông cha ta đánh giặc như thế nào… Việc xuất hiện motip này trong truyền thuyết phản ánh sự kế thừa truyền thống, “tranh thủ” sức mạnh của ông cha đời trước để con cháu tạo nên một sức mạnh mới vượt qua những khó khăn, thử thách. Sự hiển linh còn ngầm chứng minh với người nghe rằng: nhân vật có chính nghĩa, có vai trò đối với cộng đồng. Bởi có như thế mới được không chỉ lòng người mà cả thần thánh ủng hộ. Đây còn là cách thể hiện sự đồng tâm của các thế hệ anh hùng trong những giờ phút nguy nan của đất nước.

Trong truyện Sự tích cồn Kiếm, thanh kiếm của Trần Quốc Tảng nổi lên thành doi cát trước cửa đền Cửa Ông giúp vùng biển này lặng sóng, không còn loài thủy quái; về những con cá heo từ ngoài khơi vào đến trước đền Cửa Ông trong những dịp lễ hội mà dân gian cho rằng nếu không phải do Ngọc Hoàng hay Long Vương sai phái mà ghé vào bờ thì chính là do Thánh Tảng hiện thân; Đức Ông báo mộng cho dân làng: “Ta là gia tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về nơi đóng đồn cũ giữ yên dân nước”… cũng không nằm ngoài motip này.

Không giống như trong cổ tích (mọi sự đều có thể đảo ngược nhờ yếu tố thần kì, nhân vật cổ tích chết đi rồi vẫn có thể sống lại như thường), truyền thuyết không phải không có yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng không có phép màu nào có thể đảo ngược lại sự thật lịch sử. Điều cần lưu ý ở đây là tín ngưỡng dân gian vẫn còn đất để thể hiện sức sống của nó: người anh hùng không sống lại mà hiển linh, hiển thánh.

Việc sùng bái, lưu truyền, ngợi ca người anh hùng đã được nâng lên tầm linh khí núi sông. Trần Quốc Tảng cũng như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… tuy thể xác không còn nhưng khí anh linh vẫn hiển hiện. Việc miêu tả đời sống nhân vật sau khi chết thể hiện sự kéo dài thời gian, quan niệm thời gian vĩnh cửu. Đây là hiện tượng đặc thù của truyền thuyết. Trong niềm tin của nhân dân, người anh hùng tồn tại như một sức mạnh huyền bí, luôn hiện diện và có thể chi phối được đời sống hôm nay. Yếu tố “niềm tin” do đó là vấn đề có tính nguyên tắc của truyền thuyết. Đối với tác giả truyền thuyết dân gian, sự hiển linh của thần là tối quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn công trạng lúc còn sống. Đây là một sự thật. Nó giúp ta hiểu vì sao truyền thuyết thường có thêm đoạn “vĩ thanh” kể về đời sống nhân vật sau khi chết. Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, về sự linh thiêng của thần khiến ngôi đền, miếu thờ thần quanh năm lửa hương không dứt, khiến nhân vật truyền thuyết luôn hiện diện trong thực tế. Motip hiển linh âm phù là sự biểu hiện của ý thức người trước giúp người sau, lấy yếu thắng mạnh, lấy thiện thắng ác, lấy chính nghĩa thắng gian tà… Tất cả đều nằm trong mong muốn, trong nguyện vọng cao cả là giữ gìn độc lập cho non sông, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho muôn dân. Quan niệm người trước giúp người sau ban đầu chỉ là trong phạm vi gia đình. Ông bà, cha mẹ khi sống luôn làm điều tốt cho con cái, khi chết cũng phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra. Vì quan niệm này mà nhân dân ta có tục thờ cúng tổ tiên mong tổ tiên phù hộ… Từ đó, quan niệm này mới mở rộng ra phạm vi làng, nước. Những người khi sống có công với dân, khi chết ắt hiển linh phù hộ cho dân.

Trong truyền thuyết về Trần Quốc Tảng, ta thấy sự hiển linh của ông vì mục đích giữ yên dân nước. Điều này vô cùng ý nghĩa với nhân dân nói chung, nhân dân vùng Đông Bắc nói riêng. Ở vào nơi phên dậu của tổ quốc, nạn giặc giã thường xuyên xảy ra, lại thêm vùng đất này khi xưa được mệnh danh là nơi “sơn cùng thủy tận”, “rừng thiêng nước độc” cho nên ước mong có cuộc sống bình yên là mong muốn thường trực của con người. Công lao của Thánh Tảng khi sống cũng như lúc chết đã khiến tên tuổi của ông gắn bó với vùng đất này. Đây cũng là nguyện vọng chân chính của nhân dân về người bảo trợ cho cộng đồng.

  1. Motip mắt tre mọc ngược

So với các motip trong truyền thuyết Trần Quốc Tảng thì motip mắt tre mọc ngược là motip ít phổ biến hơn cả. Trong số những tư liệu mà chúng tôi được biết thì truyền thuyết Việt Nam chỉ có bốn truyện có motip này. Tác giả Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Đạo Thánh ở Việt Nam có viết trong phần Đức Thánh Gióng rằng: “Cậu bé ở Sóc Sơn – Vĩnh Lộc – Thanh Hóa cũng đi dẹp giặc nhổ tre đánh kẻ thù. Cây tre không rám lửa thành tre đằng ngà như ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) mà lại thành thứ tre mọc ngược. Motip tre mọc ngược này, còn được gặp ở truyền thuyết lưu hành tại tỉnh Quảng Ninh9.

Trong những truyền thuyết lưu hành tại tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi thấy motip mắt tre mọc ngược được gắn với ba nhân vật: Hoàng Cần (người dân tộc Tày ở địa phương có công đánh giặc), Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tảng. Về nhân vật Hoàng Cần, cuốn Đại Nam nhất thống chí  chép: “Tương truyền đời Trần có giặc răng trắng mỏ vàng, lấn cướp dân bãi biển, có Hoàng Cần người xã Hải Lãng tự đem thủ hạ đuổi đánh, tay cầm cọc tre đánh tan được giặc, đuổi đến xã Vô Ngại, cắm cọc tre làm mốc giới, đến nay đốt tre đều mọc ngược10. Có khi giống tre này được các bậc cao niên ở Quảng Ninh lí giải là do Trần Hưng Đạo cắm cọc tre xuống đất (tất nhiên là cắm ngược) thề trước ba quân sẽ chiến thắng kẻ thù.

Motip mắt tre mọc ngược trong cụm truyền thuyết này khiến ta liên tưởng tới motip tre đằng ngà trong Thánh Gióng. Trong truyền thuyết Trần Quốc Tảng cũng có hình ảnh tre nhưng không phải tre ngà mà là tre mọc ngược mắt. Loại tre này gắn với trận đánh thần tốc của Trần Quốc Tảng trên sông Bạch Đằng. Đoạn tre do Trần Quốc Tảng vứt ở giữa dòng và trôi ngược tấp vào bờ khiến ở vùng này có giống tre mọc ngược mắt.

Trong quá trình sưu tầm truyền thuyết, chúng tôi nhận thấy motip mắt tre mọc ngược gắn với tên tuổi Hoàng Cần (người dân tộc Tày) trước khi gắn với tên tuổi Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tảng. Xét trên nhiều bình diện khác nhau, motip mắt tre mọc ngược đã được “chế biến khôn ngoan” (chữ dùng của Vũ Anh Tuấn) từ một chất liệu mang biểu tượng tôn giáo sơ khai đã nhuần thấm trong cảm xúc Tày đích thực. Ở đây, theo chúng tôi, có hiện tượng giao lưu văn hoá Kinh – Tày. Mà “Trong sự giao lưu văn hoá Kinh – Tày, nhiều biểu tượng trong truyện Kinh chỉ còn là “hồi ức câm lặng” nhưng lại có thể được giải thích thoả đáng nếu có thể được bằng tín hiệu phong tục, nghi lễ Tày11. Trong thực tế, ta thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai… người dân thường có tục cắm cọc tre làm mốc giới. Trong truyền thuyết Hoàng Cần cũng có chi tiết nhân vật Hoàng Cần “cầm cọc tre đánh tan được giặc… cắm cọc tre làm  mốc giới”. Nếu hiểu được tre, trúc là cây thiêng trong nghi lễ Tày, ta có thể dễ dàng lí giải sự xuất hiện của biểu tượng này. Và như vậy, giống cây thiêng từ chỗ gắn với một người con của dân tộc Tày, một anh hùng địa phương có công đánh giặc, trong mối giao lưu văn hoá Kinh – Tày, đã kết hợp thêm tên tuổi của hai người anh hùng dân tộc là Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tảng.

Vấn đề đặt ra ở đây là: tại sao trong cụm truyền thuyết về người anh hùng chống giặc ngoại xâm trên đất Quảng Ninh, motip mắt tre mọc ngược lại được sử dụng khá phổ biến? Và tại sao lại là tre ngược mắt? Theo chúng tôi, thứ nhất, những gióng trúc có mắt ngược được dùng làm quẻ âm dương trong nghi lễ Tày ở khắp các vùng núi phía Bắc. Như vậy, trước hết trúc ngược mắt là cây thiêng. Về sau, trong quá trình lưu truyền, không chỉ trúc ngược mắt mà cả tre ngược mắt cũng là vật thiêng. Trải qua thời gian, con người hiện đại nhiều khi không còn nhận ra những ý nghĩa cổ xa của nó nữa. Thứ hai, trên đất Quảng Ninh có giống tre mọc ngược mắt (ở các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Yên Hưng…). Ở đây,  chúng ta gặp một “thói quen thẩm mỹ” của người Việt Nam là: Hầu như mỗi địa điểm, mỗi sự vật địa lý, chỉ cần có nét hơi khác thường nào đó, đều có nguồn gốc lịch sử của nó, và nguồn gốc này thường được truyền tụng.

Mặt khác, chúng ta đã biết tre là một loại cây vô cùng quen thuộc ở Việt Nam nói chung, nông thôn Việt Nam nói riêng. Ngày xưa, trong mỗi gia đình người Việt không thể thiếu một búi tre ở vườn. Bởi vì, tre cho người ta mọi vật dụng cần thiết và tối thiểu trong đời sống gia đình: dần, sàng, rổ rá, chõng, nơm, giỏ… Tre cho người ta bóng mát, tre lại dễ trồng… Khó lòng kể hết những ích lợi do tre đem lại cho cuộc sống con người; tre có trong nỗi nhớ của người tha hương và trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam; tre quê hương còn giúp Thánh Gióng đánh kẻ thù. Cho đến thế kỉ XX, khi chúng ta đối đầu với hai kẻ thù sừng sỏ nhất thế giới là Pháp, Mĩ thì tre vẫn là vũ khí để dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược. Tre, do đó, còn tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của một dân tộc không biết sống quì. Măng tre là biểu tượng cho thế hệ măng non của đất nước.

Có thể khẳng định, cây tre là thứ cây tiêu biểu nhất cho các thứ cây ở đất nước Việt Nam. Nó mang trong mình hồn dân tộc, kết tinh mọi phẩm chất của con người Việt Nam. Đó chính là lí do khiến người ta trồng rất nhiều tre quanh nơi yên nghỉ cuối cùng của người con ưu tú nhất của dân tộc: Hồ Chí Minh.

Cây tre đã được gắn với sự tích về những người anh hùng của dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm: từ Thánh Gióng đến Hoàng Cần, Trần Hưng Đạo rồi Trần Quốc Tảng… Tre ngà hay tre mọc ngược đều là những giống tre lạ trên đất nước Việt Nam và giống tre lạ ấy đã được dân gian gắn với sự tích về người anh hùng đánh giặc. Đây hoàn toàn không phải sự chọn lựa ngẫu nhiên của dân gian. Đó là một sự chọn lọc để cụ thể hóa lí tưởng chung của dân tộc – lí tưởng dựng nước và giữ nước mà hiện thân của lí tưởng đó là người anh hùng.

Xây dựng các motip trong truyền thuyết xây dựng hình tượng Trần Quốc Tảng trên vị thế người anh hùng chống giặc ngoại xâm, nhân dân đã ngợi ca và tôn vinh một người con của dòng họ Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thần thánh. Những motip dân gian trong truyền thuyết về người anh hùng Trần Quốc Tảng không những có giá trị văn học mà còn có giá trị văn hoá. Nhân dân Quảng Ninh đã lập đền thờ Trần Quốc Tảng. Đền Cửa Ông nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long và chếch về phía tây nam là vịnh Hạ Long, những thắng cảnh bậc nhất của đất nước – một vùng trời nước mênh mông, nhấp nhô hàng trăm đảo lớn nhỏ muôn hình muôn vẻ tạo nên một vẻ đẹp hiếm có cho ngôi đền. Người ta không nhớ được chính xác ngôi đền thờ Đức ông được xây dựng từ bao giờ nhưng đây chính là di tích lịch sử đã được đổi tên nhiều lần.

Trong truyền thuyết dân gian, Trần Quốc Tảng là một tướng tài ba, có khí phách, một con người đã sống và gắn bó thiết tha với mảnh đất đầy sóng gió của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Từ cuộc đời thực, Trần Quốc Tảng đã đi vào truyền thuyết qua trí tưởng tượng diệu kì của nhân dân và từ truyền thuyết, hình ảnh và tài năng của ông lại được tái hiện một cách sinh động, truyền cảm trong lễ hội vào ngày 3 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Từ các nghi thức tế lễ đến các trò chơi trong hội, người dự hội đều như đang được chứng kiến cuộc đời người anh hùng. Qua những motip dân gian trong truyền thuyết và thông qua lễ hội, hình ảnh Trần Quốc Tảng sẽ mãi lung linh, sống động trong tâm thức người dân mọi thế hệ.

Chú thích:

1 Đại Việt Sử ký Toàn thư – quyển 5: Kỷ Nhà Trần – Anh Tông hoàng đế.

2 Trần Bình Minh (2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.

3 Chevalier – Jean, Gheerbrant – Alain (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du.

4 Chevalier – Jean, Gheerbrant – Alain, sđd.

5 Nguyễn Bích Hà, Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hoá dân gian, tài liệu đánh máy chưa xuất bản.

6 Bùi Mạnh Nhị (2003) chủ biên, Văn học Việt Nam – văn học dân gian – những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục.

7 Vũ Ngọc Khánh (2011), Đạo Thánh ở Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin.

  1. 8. Nhiều tác giả (1971), Đại Nam nhất thống chí, Tập 4, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. 9. Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, sdd.
  3. Đại Nam nhất thống chí, sđd.

11 Vũ Anh Tuấn (1991), Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số típ truyện kể dân gian Tày ở  vùng Đông Bắc Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nhiều tác giả (1997), Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội.
  2. Nhiều tác giả (1998), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội.
  3. Nhiều tác giả (1998), Văn hoá dân gian – những lĩnh vực nghiên cứu, Nxb KHXH, Hà Nội.
  4. Nhiều tác giả (1999), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam (thần thoại, truyền thuyết), Nxb Giáo dục.
  5. Nhiều tác giả (2002), Di tích và danh thắng Quảng Ninh, Ban quản lý di tích thắng cảnh Quảng Ninh – Tập 1.
  6. Nhiều tác giả, (2003), Việt Nam những sự kiện lịch sử, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – Viện sử học, Nxb Giáo dục.
  7. Nhiều tác giả (2001), Địa chí Quảng Ninh, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tập 1.

Tác giả : Đỗ Thị Hạ

Most read articles by the same author(s)